Kinh doanh

19/07/2023

Mở rộng kinh doanh trong năm 2023-2024, có nên hay không?

Nếu như một hai năm trước, cả thế giới phải đấu tranh với dịch bệnh Covid-19 thì tới năm 2023-2024, nền kinh tế đang dần rơi vào tình trạng suy thoái do cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine, lạm phát tăng cao và nhu cầu mua sắm giảm mạnh. Theo như IMF, tăng trưởng kinh tế thế giới có thể giảm xuống còn 2,9% trong năm 2023 (3,4% năm 2022). Thậm chí, mức tăng trưởng này còn thấp hơn nữa ở các nước phát triển, ví dụ như Mỹ, dự đoán tăng trưởng trong năm 2023 chỉ còn 1,4%. Vậy có nên mở rộng kinh doanh trong năm 2023-2024 hay không? Bài viết dưới đây sẽ giúp quý độc giả có cái nhìn khách quan khi trả lời câu hỏi trên. Dữ liệu được cập nhật từ các nguồn tin chính thống như IMF, World Bank hoặc Statista nên bài viết có độ tin cậy cao.

 

mở rộng kinh doanh năm 2023-2024 có nên hay không

Mở rộng kinh doanh trong năm 2023-2024, có nên hay không?

Dự đoán mức tăng trưởng GDP của Việt Nam 2023-2024

Cùng với việc kinh tế thế giới đang có xu hướng giảm, Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng, dự kiến tăng trưởng GDP giảm từ 8% năm 2022 xuống 6,3% năm 2023 (World Bank, 2023). Tuy nhiên, tình trạng này dự kiến sẽ được khắc phục vào năm 2024 (6.5%). Tương tự, kinh tế thế giới cũng được dự đoán sẽ tốt hơn vào năm 2024 với mức tăng trưởng 3.1%, có thể cao hơn 0.2% so với 2023 (IMF, 2023). Dù đây là một tín hiệu tích cực cho các nhà đầu tư hoặc kinh doanh nếu muốn mở rộng cửa hàng hoặc công ty trong năm 2023-2024, những biến động về cuộc chiến tranh của Nga và Ukraine cũng như rủi ro trong chuỗi cung ứng toàn cầu và những thay đổi chưa thể dự đoán trước trong chính sách tăng lãi suất của Hoa Kỳ và mở rộng kinh tế của Trung Quốc, chưa thể trả lời chính xác việc phát triển kinh doanh thời điểm này là nên hay không.

 

một số chỉ số kinh tế của việt nam 2020-2025

Một số chỉ số kinh tế của Việt Nam 2020-2025 (Nguồn: World Bank, 2023)

 

Theo như bảng trên, chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng mạnh trong năm 2023 (từ 3,1% tới 4,5%) cho thấy người dân đang chịu ảnh hưởng nặng nề của việc giá cả tăng cao. Hầu hết các mặt hàng, kể cả nhu yếu phẩm, giá thuê nhà, tiền điện/nước, giáo dục tăng giá dẫn tới người dân phải chi tiêu nhiều hơn mức bình thường so với các năm trước. Vì thế, thắt chặt chi tiêu là một trong những mục tiêu hàng đầu của các gia đình Việt Nam tại thời điểm này.

Tuy nhiên, công bằng thì Việt Nam có mức tăng trưởng kinh tế cao hơn hẳn so với các quốc gia khác. Đây là một điểm cộng cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước muốn kinh doanh tại Việt Nam.

 

tăng trưởng gdp năm 2022 của Việt Nam so với thế giới

Tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam so sánh với các nước khác (Nguồn: World Bank, 2023)

 

Ở hình trên, Việt Nam đạt tăng trưởng GDP 8% năm 2022, cao hơn so với mặt bằng chung của thế giới (2,9%) và các nước đang phát triển (3.4%). Thậm chí với mức tăng trưởng này, Việt Nam có nền kinh tế tiềm năng hơn Malaysia (7,8%), Philippines (7.2%) và Indonesia (5.2%). Do đó, dù kinh tế khó khăn, phát triển kinh doanh ở Việt Nam vẫn có thể đạt được những thành công nếu có kế hoạch rõ ràng.

Chi tiêu và xu hướng tiêu dùng tại Việt Nam 2023-24

Chi tiêu nhiều nhất của người dân Việt Nam vẫn là cho thức ăn và đồ uống không cồn.

 

chi tiêu tại Việt Nam 2021

Chi tiêu tại Việt Nam năm 2021 (Nguồn: Statista, 2023)

 

Ở hình bên trên, người Việt Nam dành ra khoảng 44,6% tổng chi tiêu cho đồ ăn và đồ uống không cồn. Trong khi đó, trung bình của người dân châu Á là 31,1%. Người Việt Nam cũng chi cho giáo dục nhiều hơn (5,4% so với mức trung bình 3,1%).

Người Việt dành nhiều quan tâm nhất tới quần áo.

 

chỉ số nhận diện thương hiệu người việt

Độ quan tâm của người Việt tới một số sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu (%) (Nguồn: Statista, 2023)

 

Ở hình vẽ bên trên, quần áo, giày dép được quan tâm khá nhiều (79% và 68%). Ngoài ra, các thiết bị điện tử như tivi, điện thoại cũng nhận được nhiều sự quan tâm (71%). Trong số các phương tiện, ô tô được quan tâm cao nhất (46%), sau đó là xe máy (36%) và xe đạp thấp nhất (14%). Ngoài ra, các thiết bị gia dụng, mỹ phẩm, túi xách, phụ kiện cũng được ưa thích (54%, 50% và 44%). Với những số liệu ở trên, người Việt sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn cho quần áo và thiết bị điện tử, giày dép, đồ ăn, thiết bị gia dụng và mỹ phẩm. Nếu bạn có ý định mở rộng kinh doanh trong các mảng kể trên, có thể tự tin vào nhu cầu của người dân.

Tương tự như mối quan tâm ở trên, người Việt rất dễ dàng ghi nhớ và nhận diện thương hiệu trong lĩnh vực quần áo và điện thoại thông minh.

 

nhận diện thương hiệu người việt giữa nam và nữ

Nhận diện thương hiệu của người Việt (%) giữa nam và nữ (Nguồn: Statista, 2023)

 

Dựa vào hình vẽ ở trên, nếu mở rộng kinh doanh trong lĩnh vực quần áo, giày dép, điện thoại, máy tính, thiết bị gia dụng, mỹ phẩm hay túi xách/phụ kiện, bạn có thể cần tập trung phát triển thương hiệu vì người Việt có độ nhận diện thương hiệu khác nhau khá rõ ràng. Tuy thế, có sự khác biệt giữa nam và nữ. Ví dụ, nếu phát triển trong ngành mỹ phẩm, đối tượng khách hàng tiềm năng nên là nữ giới khi xây dựng nhãn hàng và độ nhận diện thương hiệu của sản phẩm. Ngược lại, với ngàng hàng là điện thoại, máy tính, thiết bị gia dụng hay ô tô, phát triển thương hiệu nên tập trung vào nam giới, ví dụ nam giới có thể quan tâm tới các kênh quảng cáo nào hơn hoặc dễ bị thu hút bởi sản phẩm có tính chất hoặc đặc trưng như nào.

Thu nhập của người dân Việt Nam

Có một vấn đề là sau đại dịch Covid-19, thu nhập của người dân Việt Nam có xu hướng giảm.

 

thu nhập hàng tháng trên đầu người tại Việt Nam

Thu nhập hàng tháng trên đầu người ở Việt Nam 2010-2021 (1,000 VNĐ) (Nguồn: Statista, 2022)

 

Ở hình vẽ trên, thu nhập hàng tháng trên đầu người giảm từ khoảng 6tr ở thành thị xuống còn hơn 5tr từ năm 2019 tới năm 2021. Mặc dù thu nhập ở nông thôn khá ổn định, về cơ bản mức thu nhập không cao, chỉ khoảng 3,4tr hàng tháng.

Mức thu nhập cao nhất ở các thành phố lớn như Hồ Chí Minh và Hà Nội.

 

thu nhập hàng tháng trên đầu người ở một số tỉnh thành Việt Nam

Thu nhập hàng tháng trên đầu người ở một số tỉnh thành Việt Nam năm 2021 (1,000 VNĐ) (Nguồn: Statista, 2022)

 

5 thành phố có mức thu nhập cao ở Việt Nam là Hồ Chí Minh (6,01 triệu), Hà Nội (6tr), Đà Nẵng (5,23tr), Hải Phòng (5,09tr) và Cần Thơ (4,79tr). Do đó, nếu có ý định mở rộng kinh doanh trong thời điểm hiện tại, một là bạn nên mở ở các thành phố lớn kể trên, hai là buôn bán online, tức là sẵn sàng giao hàng cho khách ở nhiều tỉnh thành khác nhau.

Kinh doanh online

Kinh doanh online khá tiềm năng ở Việt Nam. Sự xâm nhập Internet tại Việt Nam đạt 79,1% năm 2023, tăng 7,3% so với năm ngoái (Theo Data Reportal, 2023). Đồng thời, 71% người dân Việt Nam đã và đang sử dụng mạng xã hội. Trong đó, mỗi người có thể dành 2 tiếng rưỡi một ngày lướt mạng xã hội.

Về quảng cáo trên Facebook và Instagram, độ tuổi được tiếp cận nhiều nhất là từ 25-34 tuổi.

 

thốn kê độ tuổi giới tính tiếp nhận quảng cáo mạng xã hội

Độ tuổi và giới tính của những người được tiếp cận bởi quảng cáo trên mạng xã hội Facebook và Instagram ở Việt Nam năm 2023 (Nguồn: Data Reportal, 2023)

 

Ở hình trên, 14,9% dân số nữ có độ tuổi từ 25-34 và 14,5% nam giới trong độ tuổi 25-34 được tiếp cận nhiều nhất. Đứng thứ hai là độ tuổi 18-24. Tiếp đến là từ 35-44 tuổi. Do đó, nếu muốn bán hàng online, cần lưu ý xem khách hàng tiềm năng của mình có nằm trong độ tuổi này hay không.

Ngoài ra, thêm với việc quảng cáo trên Facebook, các nhà bán hàng có thể lựa chọn tiếp cận với khách hàng tiềm năng qua Zalo và TikTok.

 

mạng xã hội tiếp cận nhiều nhất tại Việt Nam

Mạng xã hội được sử dụng nhiều ở Việt Nam (Nguồn: Data Reportal, 2023)

 

91,6% người dùng Internet sử dụng Facebook, 90,1% sử dụng Zalo và 77,5% sử dụng TikTok. Vì vậy, tiếp cận khách hàng qua các kênh này khá dễ dàng.

KẾT LUẬN, mở rộng kinh doanh trong năm 2023-2024 không phải là một quyết định dễ dàng với các nhà bán hàng hoặc các nhà đầu tư. Những khó khăn khá rõ ràng như kinh tế suy thoái, giá cả tăng cao, chi tiêu và thu nhập giảm mạnh. Tuy nhiên, nếu vẫn có ý định mở rộng kinh doanh trong giai đoạn này, người bán nên cân nhắc tới một số ngành có xu hướng chi tiêu hoặc được quan tâm nhiều như đồ ăn, quần áo, giày dép, và mỹ phẩm. Với thực trạng khó khăn hiện nay, một lựa chọn là chấp nhận lợi nhuận thấp để tăng độ nhận diện thương hiệu. Sau đó khi nền kinh tế phục hồi, các nhà bán hàng có thể đẩy mạnh nhiều hơn vào quảng cáo và sản phẩm. Ngoài ra, tuy lựa chọn mở cửa hàng ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh khá tiềm năng do thu nhập trung bình cao hơn các vùng khác, chi phí thuê nhà và nhân công lại là một trở ngại lớn. Thay vào đó, các nhà bán hàng có thể lựa chọn mở chi nhánh ở các vùng lân cận như Bắc Ninh để tiết kiệm chi phí và đẩy mạnh bán hàng online, quảng cáo qua mạng xã hội như Facebook và TikTok, thu thập dữ liệu khách hàng và tương tác với họ trên Zalo.

 

Nguồn tham khảo

Gourinchas, P. (2023) Global Economy to Slow Further Amid Signs of Resilience and China Re-opening, IMF, 30 January, https://www.imf.org/en/Blogs/Articles/2023/01/30/global-economy-to-slow-further-amid-signs-of-resilience-and-china-re-opening

World Bank (2023) Taking Stock: Vietnam Economic Update, March 2023, 13 March, https://www.worldbank.org/en/country/vietnam/publication/taking-stock-vietnam-economic-update-march-2023

Statista (2023) Vietnam's Economy & Society - Data and Analysis.

Statista (2022) Urbanization in Vietnam.

Data Reportal (2023) Digital 2023 in Vietnam.

 

>>> Xem thêm: Bài học marketing từ sai lầm của “Ông hoàng son môi” Austin Li- một thời hoàng kim bán 15,000 thỏi son trong 5 phút livestream

 

0like
0 Bình luận
359 Đã xem
Share

Tham gia thảo luận

chat
Bạn hãy Đăng nhập để thảo luận

icon mặt cười

Bài viết được quan tâm

Xem thêm >>