Khám phá

15/04/2023

Trí nhớ của chúng ta liệu có nhầm lẫn chỉ sau vài giây?

Một sự thật là tuy chúng ta có thể nhớ rõ một số sự kiện đặc biệt trong quá khứ, cách cả vài năm, chúng ta hoàn toàn có thể nhầm lẫn về một chuyện nào đó mới xảy ra vài giây trước. Nghiên cứu mới nhất từ các nhà khoa học của trường đại học Amsterdam, Hà Lan đã chứng minh điều này thông qua “những ảo tưởng trí nhớ ngắn hạn”. Nghĩa là một số ký ức dù chỉ vài giây trước đó đã bị chỉnh sửa sai lệch dựa trên kỳ vọng hoặc mong muốn của bộ não.

Câu chuyện minh hoạ về trí nhớ có bị nhầm lẫn sau vài giây

Nếu để ý, bạn đã bắt gặp tình trạng này rất nhiều lần. Trong một cuộc tán gẫu vui với bạn bè, bạn có thể đã nói sai, kiểu thay vì cô ý, bạn nói nhầm thành anh ấy. Vài giây sau, một người trong số đám bạn bắt bẻ lại. Nhưng bạn ngay lập tức phủ nhận và tin rằng mình đã nói đúng. Chỉ có điều chính bạn cũng không quá chắc chắn về ký ức này.

 

trí nhớ liệu có bị nhầm lẫn

Có những ký ức chỉ xảy ra vài giây trước nhưng lại khiến bộ não hoang mang liệu có đúng hay không? (Nguồn: Haysiri)

Nghiên cứu từ đại học Amsterdam, Hà Lan

Tiến sĩ Marte Otten và các đồng nghiệp tới từ đại học Amsterdam, Hà Lan đã tiến hành bốn thí nghiệm về cách bộ não ghi nhớ một hình ảnh hay sự kiện. Ban đầu, những người tham gia nghiên cứu đã được sàng lọc để chắc chắn họ có thể hoàn thành nhiệm vụ ghi nhớ các hình ảnh cơ bản và chia sẻ về trí nhớ của mình.  

Ở vòng đầu, Otten đưa ra 6-8 chữ cái, trong đó có 1-2 chữ ở thể ngược như hình ảnh phản chiếu từ gương.

 

chữ cái bị ngược trong gương

Chữ cái bị ngược từ hình ảnh phản chiếu trong gương (Nguồn: Internet)

 

Sau đó, ở vòng tiếp theo, đội ngũ các nhà khoa học đưa cho họ một dãy các ký tự khác và hướng dẫn họ bỏ qua chúng. Đây là cách để tạo ra sự xao nhãng sau vài giây người tham gia phải ghi nhớ các chữ cái ở vòng đầu.

Cuối cùng, người tham gia cần lựa chọn các chữ cái (kể cả vị trí của chúng: đúng hay ngược) đã được cung cấp ở lượt đầu tiên và đánh giá về độ tự tin của mình với lựa chọn đó.

Kết quả là có 23 người tham gia vô cùng tự tin về trí nhớ của mình lại chọn sai các chữ cái mà trước đó đã bị viết ngược. Họ trả lời rằng họ đã nhìn thấy chữ cái đó được viết đúng.

Sau đó, ba thí nghiệm tương tự được tiến hành với tổng số 348 người tham gia đều cho kết luận như trên.

Ảo tưởng trí nhớ ngắn hạn?

Thời gian bị xao nhãng càng lâu hoặc các sự kiện gây mất tập trung càng nhiều thì việc trí nhớ bị nhầm lẫn sau một vài giây càng tăng cao. Otten và các đồng nghiệp gọi đó là “ảo tưởng trí nhớ ngắn hạn”. Các lựa chọn sai lầm ở kết quả thí nghiệm được giải thích bởi kiến thức về chữ cái của người tham gia. Nghĩa là họ nhầm vì họ tin rằng đây mới là chữ cái đúng chứ không phải vì hình dạng tương tự của ký tự viết đúng và viết ngược.

Mở rộng ra khỏi phạm vi của nghiên cứu, các nhà khoa học cho rằng rất nhiều ký ức trong thực tế không giống với sự thật vì đã bị ảnh hưởng của “ảo tưởng trí nhớ ngắn hạn”. Khi con người có niềm tin quá lớn vào một điều gì đó thì sau khi trí nhớ về một sự kiện hoặc câu nói bị mờ dần đi trong một, hai hay ba giây đầu tiên, nó bắt đầu được thay thế bởi những niềm tin hoặc kỳ vọng đó.

 

ký ức thật dần mờ đi

Khi ký ức thật mờ dần sau vài giây, kỳ vọng hoặc niềm tin của con người sẽ được điền vào, tạo nên một ký ức khác đi (Nguồn: The Guardian)

 

Otten ví dụ về một câu chuyện giữa những người phụ nữ. Hai trong số đó không ưa nhau và thay vì tường thuật lại đúng những câu mà người kia đã nói, người còn lại sẽ chèn thêm ngữ điệu mà cô ta cho rằng người kia đã dùng, chẳng hạn “cô nàng đã nói với cái giọng cực kỳ tức giận và khó chịu nhỉ?”. Thực tế, bộ não con người không hoàn hảo như một chiếc máy ghi âm hay máy quay để có thể ghi nhớ toàn bộ một sự việc hoặc câu chuyện. Khi kể lại, chúng ta chỉ có thể nói về ý nghĩa hoặc nội dung chung chung của ký ức đó. Và tất nhiên, luôn luôn bị ảnh hưởng của cảm xúc hoặc kỳ vọng xã hội.

TỔNG KẾT, nghiên cứu về sự nhầm lẫn của trí nhớ sau vài giây còn cần được mở rộng thêm. Tuy nhiên, với giả thuyết về “ảo tưởng trí nhớ ngắn hạn”, chúng ta có thể giải thích được tại sao bộ não có thể không nhớ rõ hoặc nhớ nhầm một sự kiện hoặc câu nói nhanh đến như thế (chỉ sau vài giây ngắn ngủi).

 

>> Xem thêm: Cây có bị căng thẳng và khóc hay không? Nghiên cứu mới nhất, xuất bản ngày 30/3 từ các nhà khoa học ở Israel

 

0like
0 Bình luận
256 Đã xem
Share

Tham gia thảo luận

chat
Bạn hãy Đăng nhập để thảo luận

icon mặt cười

Bài viết được quan tâm

Xem thêm >>