Món ăn ngon

02/03/2025

Những món ngon từ Củ Sắn Phần 2: Chè sắn Mochi nóng hổi cho những ngày đông

Tiếp nối hành trình khám phá những món ngon từ củ sắn, phần 2 của series sẽ giới thiệu đến bạn “ Chè sắn mochi ” – một món chè thơm ngon, sánh dẻo, thích hợp cho những ngày se lạnh.

 

Bát chè sắn nóng hổi ngày đông

Bát chè sắn nóng hổi ngày đông

Chè sắn mochi có vị bùi dẻo của sắn, hòa quyện với nước cốt dừa béo ngậy và vị ngọt thanh của đường. Khi ăn nóng, từng miếng sắn mềm tan trong miệng, tạo cảm giác ấm áp và dễ chịu. Đây không chỉ là một món ăn vặt dân dã mà còn gợi nhớ hương vị tuổi thơ của nhiều người.

Hãy cùng Haysiri vào bếp và thực hiện món chè sắn mochi thơm ngon này nhé!

Nguyên liệu làm món chè sắn mochi

- Phần sắn và nước chan:

  • 600g củ sắn (khoai mì)
  • 100g đường thốt nốt (hoặc đường vàng)
  • 500ml nước lọc
  • Lá nếp ( lá dứa)
  • 1 nhánh gừng nhỏ
  • 1/4 thìa cà phê muối
  • 1 - 2 thìa bột năng

 

Những nguyên liệu cơ bản làm món chè sắn

Những nguyên liệu cơ bản làm món chè sắn

- Phần mochi sắn:

  • 80g bột nếp
  • 20ml nước cốt dừa
  • 1/4 thìa cà phê muối
  • Bột năng ( bột áo)

- Phần nước cốt dừa:

  • 200ml nước cốt dừa
  • 20g đường
  • 1/4 thìa cà phê muối
  • 1 thìa bột năng

- Topping:

  • Vừng ( mè) rang
  • Dừa nạo

 

Nguyên liệu cơ bản làm món chè sắn nóng

Nguyên liệu cơ bản làm món chè sắn nóng

Cách làm món chè sắn Mochi

1. Sơ chế sắn:

Sắn chọn củ tươi, thân thẳng, rửa sơ cho sạch đất. Dùng dao khía từng đường vòng xoắn ốc dọc theo thân củ rồi lách mũi dao để tách bỏ phần vỏ.

 

Cách này giúp tách vỏ sắn dễ dàng

Cách này giúp tách vỏ sắn dễ dàng

Nên cắt bỏ 2 đầu vì trong sắn có chứa chất Acid Cyanhydric, chất này gây đau đầu, nôn nao khi ăn phải và tập trung nhiều nhất ở 2 đầu củ. Vì vậy cắt bỏ 2 đầu và ngâm trong nước muối loãng khoảng 4 - 6 tiếng sẽ giúp loại bỏ bớt độc tố và nhựa trong sắn.

 

Sắn sau khi được loại bỏ vỏ và ngâm với muối

Sắn sau khi được loại bỏ vỏ và ngâm với muối

Rửa sạch sắn thêm 2 - 3 lần nước, cắt sắn thành từng miếng vuông nhỏ vừa ăn và để ráo. Sau đó đem sắn bỏ vào vỉ hấp khoảng 20 - 25 phút.

 

Sắn được hấp trên vỉ hấp khoảng 20 - 25 phút

Sắn được hấp trên vỉ hấp khoảng 20 - 25 phút

2. Làm mochi từ sắn:

Nghiền nhuyễn 200g sắn luộc khi còn nóng. Trộn với bột nếp, nước cốt dừa, muối, nhào đến khi bột dẻo, mịn. Nếu bột khô, có thể thêm chút nước ấm.

 

Sắn nghiền nhuyễn được trộn cùng bột nếp

Sắn nghiền nhuyễn được trộn cùng bột nếp

Sau khi bột đã dẻo, mịn. Vo bột thành từng viên nhỏ sau đó áo qua phần bột năng đã chuẩn bị từ trước.

 

Sắn sau khi được hấp chín cùng một phần sắn mochi

Sắn sau khi được hấp chín cùng một phần sắn mochi

3. Nấu nước chè sắn:

Đun sôi 500ml nước với đường thốt nốt, muối, gừng thái sợi. Nước sôi cho viên sắn mochi đun với lửa nhỏ tới khi chín sau đó cho phần sắn miếng còn lại vào nấu khoảng 5 phút để thấm vị ngọt.

Hoà bột năng với chút nước, cho vào khuấy đều để phần nước chan được sánh đều.

 

Chè sắn nóng đạt độ sánh như này là đạt

Chè sắn nóng đạt độ sánh như này là đạt

4. Nấu nước cốt dừa:

Bát chè sắn nóng sẽ thơm và béo ngậy hơn khi chan cùng nước cốt dừa béo ngậy. Nước cốt có thể sử dụng lon đóng sẵn. Nếu có thời gian làm nước cốt dừa tươi thì phần nước cốt sẽ béo ngậy, thơm ngon hơn.

 

làm nước cốt dừa

Để lấy nước cốt dừa tươi có thể bỏ dừa vào máy ép chậm để ép lấy nước cốt hoặc xay bằng máy xay rồi vắt lấy nước

Đun nước cốt dừa, đường, muối cùng lá nếp ( lá dứa) trên lửa nhỏ. Nếu muốn nước cốt dừa sánh hơn, hòa bột năng với chút nước, khuấy đều rồi tắt bếp.

 

Đun nước cốt dừa với lửa nhỏ để tránh bị khét

Đun nước cốt dừa với lửa nhỏ để tránh bị khét

5. Thưởng thức:

Múc tô chè sắn ra bát. Rưới nước cốt dừa lên trên, rắc thêm vừng rang, dừa nạo là bạn đã có một tô chè sắn nóng hoàn hảo, béo mềm thơm ngon.

 

Những tô chè sắn mochi nóng hổi

Những tô chè sắn mochi nóng hổi

Chè sắn mochi ngon nhất khi ăn nóng, cảm nhận vị bùi mềm của sắn, mochi dẻo dai, nước chè ngọt thanh và hương gừng ấm nóng. Đây là món chè dân dã nhưng đầy hấp dẫn, lý tưởng để thưởng thức trong những ngày trời se lạnh.

Một số lưu ý khi làm món chè sắn Mochi

  • Chọn sắn ngon: Chọn củ sắn tươi, vỏ mịn, không bị xơ hay đốm đen. Sắn có ruột trắng tinh hoặc hơi ngả vàng là loại ngon, bùi và dẻo hơn.
  • Ngâm sắn đúng cách: Sắn chứa độc tố tự nhiên, vì vậy cần ngâm trong nước muối loãng ít nhất 4–6 tiếng (hoặc qua đêm) để loại bỏ nhựa. Sau khi ngâm, rửa sạch nhiều lần với nước trước khi chế biến.
  • Làm mochi từ sắn: Nghiền sắn khi còn nóng để bột dẻo hơn. Nhào bột mochi đến khi dẻo mịn, không dính tay, nếu khô có thể thêm chút nước ấm. Nếu dư giả thời gian có thể luộc phần mochi sau đó thả vào âu nước đá thay vì thật trực tiếp vào nồi nước chan. Như vậy sẽ giữ được độ dai, dẻo của viên mochi.
  • Nấu nước chè chuẩn vị: Dùng đường thốt nốt giúp chè có vị ngọt thanh và màu đẹp hơn. Nhất định phải có gừng tươi để tạo hương vị cay the the giúp món chè hấp dẫn hơn.
  • Nước cốt dừa béo ngon: Để nước cốt dừa không bị tách lớp, nên đun lửa nhỏ và khuấy đều tay.
  • Chè sắn mochi ăn ngon nhất khi nóng tuy nhiên bạn vẫn có thể bảo quản trong tủ lạnh, nhưng khi ăn nên hâm nóng lại để chè không bị cứng.

Chỉ cần chú ý những điểm trên, bạn sẽ có một bát chè sắn mochi thơm ngon, dẻo bùi đúng chuẩn.

 

Tô chè sắn nóng hổi, ngon miệng

Tô chè sắn nóng hổi, ngon miệng

Chè sắn mochi không chỉ là một món ăn ngon mà còn mang đậm hương vị quê nhà, gợi nhớ những ngày đông quây quần bên bếp lửa ấm. Sự kết hợp giữa sắn bùi dẻo, mochi mềm dai, nước chè ngọt thanh và nước cốt dừa béo ngậy tạo nên một trải nghiệm ẩm thực đầy hấp dẫn.

Hy vọng với công thức này, bạn có thể dễ dàng làm món chè sắn mochi tại nhà để thưởng thức cùng gia đình. Đừng quên theo dõi series “Món Ngon Từ Củ Sắn” để khám phá thêm nhiều món ăn độc đáo khác nhé!

 

>> Xem thêmNhững món ngon từ Củ Sắn Phần 3: Xôi sắn món ăn sáng hấp dẫn cho gia đình

 

0like
0 Bình luận
21 Đã xem
Share

Tham gia thảo luận

chat
Bạn hãy Đăng nhập để thảo luận

icon mặt cười

Bài viết được quan tâm

Xem thêm >>