Kinh doanh

30/07/2023

Bán đồ ăn online qua app: Bí quyết thành công

Với việc phát triển các app giao đồ ăn như Shopee Food, Grab Food và Baemin, việc bán đồ ăn online trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết, tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội. Tuy nhiên, cũng chính vì khá dễ để đăng ký một quán ăn trên các app cũng như tiết kiệm chi phí về cơ sở vật chất và nhân viên, bán hàng qua app trở nên hết sức cạnh tranh. Để thành công, bài viết dưới đây Haysiri sẽ tổng hợp một số bí quyết cho các chủ cửa hàng ăn khi quyết định bán online qua các app.

 

bán đồ ăn online qua app bí quyết thành công

Bán đồ ăn online qua app: Bí quyết thành công

Ngành bán đồ ăn online có thực sự đang phát triển ở Việt Nam?

Không thể phủ nhận người Việt đang dần trở nên rất thích đặt giao đồ ăn online qua các app. Để chứng minh thói quen đó, bảng vẽ dưới đây cho thấy doanh thu của ngành này có xu hướng tăng đáng kể.

 

doanh thu của ngành giao đồ ăn

Doanh thu của ngành giao đồ ăn tại Việt Nam từ năm 2016 tới 2022 (nghìn tỷ đồng) (Nguồn: Statista, 2023)

 

Ở hình vẽ trên, nếu doanh thu năm 2016 chỉ đạt 930 tỷ đồng thì sau 6 năm đã lên tới con số 29,970 tỷ đồng. Doanh thu này dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong những năm kế tiếp.

 

doanh thu giao hàng online trên đầu người

Doanh thu trên đầu người của ngành giao đồ ăn online tại Việt Nam năm 2018-2027 (dự kiến, tính theo đồng đô-la) (Nguồn: Statista, 2023)

 

Theo đó, doanh thu năm 2023 dự kiến sẽ đạt $75,67 (tương đương khoảng 1,8 triệu đồng) và có thể tăng lên $103,52 năm 2027 (khoảng 2,5 triệu đồng). Nói cách khác, trong năm nay- 2023, một người dân Việt Nam có thể sẽ chi khoảng 1,8 triệu đồng để mua đồ ăn online.

Tuy nhiên, đa số người Việt dường như vẫn ưa thích các thương hiệu đồ ăn lớn như Pizza Hut và KFC khi đặt đồ ăn. Tính tới năm 2024, có khoảng 12,8 triệu người đăng ký các app đồ ăn đến từ các nhà hàng lớn. Trong khi đó, các nền tảng bán đồ ăn online như Shopee Food hay Baemin thì chỉ có khoảng 4,6 triệu người dùng (theo Statista, 2023).

Mặc dù vậy, việc mua và bán đồ ăn online qua các app thực sự khá tiềm năng ở Việt Nam. Nhất là với các cửa hàng vừa và nhỏ, hoàn toàn không có thương hiệu hoặc thương hiệu không được đăng ký hoặc chưa thực sự nổi bật. Đây là một cách để tiếp cận khách hàng và bắt đầu kiếm tiền từ việc bán đồ ăn dành cho các hộ gia đình nhỏ lẻ cũng như các bạn trẻ muốn thử sức với một ngành mới, một sản phẩm mới trước khi thực sự mở nhà hàng.

Nhất là theo như khảo sát của Statista (2023), 60% người Việt dự đoán tiếp tục sử dụng dịch vụ giao đồ ăn online như năm ngoái và 22% thậm chí sẽ tăng thời gian và mức chi tiêu nhiều hơn trong những năm kế tiếp. Chỉ có 18% sẽ mua đồ ăn online ít hơn. Đồng thời, ngành thực phẩm dự kiến tăng 10% trong mảng thương mại điện tử năm 2022. Tăng cao nhất so với các ngành khác như chăm sóc cá nhân (6%), đồ nội thất (giảm 6,3%). Với các số liệu trên, nếu bạn có ý định bán đồ ăn online, hãy yên tâm về tiềm năng của ngành hàng này.

Cạnh tranh trong ngành bán đồ ăn online tại Việt Nam

Mô hình 5 áp lực cạnh tranh của Michael Porter sẽ được đề cập đến trong phần này để giúp bạn đọc có cái nhìn khái quát về tính cạnh tranh trong một ngành nghề:

 

Áp lực cạnh tranh

Mô tả

Đánh giá

Quyền lực của nhà cung cấp

Việt Nam là một nước có thế mạnh về nông nghiệp, với nhiều nhà bán hàng nông sản đến từ các vùng lân cận ví dụ như ngay ở ngoại thành Hà Nội, điều này giúp giảm khả năng thương lượng của các nhà cung cấp.

Thấp

Quyền lực của người mua

Số lượng người mua hàng online trên các app đang tăng, nghĩa là có thể bán cho rất nhiều người, điều này làm giảm áp lực tới từ khách hàng. Song, việc chuyển đổi từ người bán này sang người bán khác rất dễ dàng thực hiện trên các app bán đồ ăn như GrabFood hay ShopeeFood thông qua gợi ý hoặc tìm kiếm. Kết hợp với việc đánh giá chất lượng đồ ăn và dịch vụ bán hàng (theo sao, thang tối đa là 5 sao) thì quyền lực của người mua dường như đang tăng.

Vừa và tăng

Sản phẩm thay thế

Thay vì mua đồ ăn online, người Việt có thể lựa chọn tới nhà hàng hoặc tự nấu. Trong thời điểm kinh tế suy thoái như hiện nay, đồ ăn tự nấu tại nhà là một lựa chọn khôn ngoan. Tuy nhiên, sản phẩm thay thế này không hoàn toàn thay thế hoàn hảo vì giá thành trên một món ăn có thể cao hơn nếu tự nấu (ví dụ một suất bún đậu 30-40k trên app nhưng để nấu thì cũng cần rất nhiều nguyên liệu và công sức, nếu ăn ít thì tính ra mua về sẽ rẻ hơn) hoặc đồ ăn khó làm, khó chế biến (như các loại bánh ngọt khó có thể tự làm nếu nhà không sẵn lò nướng).   

Vừa

Đe doạ từ người mới tham gia

Đăng ký qua các app bán hàng không quá khó khăn. Chi phí tính theo phần trăm từ việc bán hàng và lựa chọn Freeship hay không của người bán. Do đó, rào cản gia nhập trên các app không quá cao. Tuy nhiên, theo như thống kê năm 2022 của Statista (2023), có khoảng 46,5% chủ nhà hàng mới tại Việt Nam thừa nhận sẽ không bán trên các app. Điều này có thể giảm mối đe doạ từ những người mới tham gia.

Cao

Đối thủ cạnh tranh

Sau dịch bệnh Covid-19, số lượng các nhà bán hàng ăn trên các app trở nên cao hơn hẳn. Việc cạnh tranh về giá và chất lượng đồ ăn khiến cho ngành hàng này trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết.

Cao

 

Phân tích áp lực cạnh tranh trong ngành bán đồ ăn online tại Việt Nam (Nguồn: Haysiri)

 

Ở bảng trên, ngành bán đồ ăn online tại Việt Nam không quá dễ dàng. Ngoại trừ áp lực thấp từ nhà cung cấp, người bán có thể gặp cạnh tranh từ các nhà bán hàng tương tự và những người đang có ý định tham gia. Khó khăn có thể tới từ người mua và việc họ sẽ tự nấu tại nhà thay vì đặt đồ ăn ngoài.

Nên bán đồ ăn qua các app nào?

Lựa chọn app bán đồ ăn để tìm kiếm được nhiều khách hàng nhất cũng là một trong các chiến lược đầu tiên khi quyết định mở bán online.

 

lựa chọn app bán đồ ăn

Thị phần của một số dịch vụ giao đồ ăn tại Việt Nam năm 2022 (Nguồn: Statista, 2023)

 

Theo như số liệu ở hình vẽ trên, 45% thị phần thuộc về GrabFood và 41% dành cho ShopeeFood. 12% của Baemin và Gojek chỉ có 2% thị phần. Do đó, hai app mà các nhà bán hàng không thể bỏ qua khi quyết định bán đồ ăn online là Grabfood và Shopeefood.

Tuy thế, đừng bỏ qua việc bán đồ ăn qua số hotline và website.

 

kênh người việt hay đặt đồ ăn

Các kênh người Việt hay đặt đồ ăn (Nguồn: Statista, 2023)

 

Theo như hình vẽ trên, ngoài GrabFood và ShopeeFood, nhiều người Việt thích đặt đồ ăn qua hotline (25,4%) và website (14,6%). Mạng xã hội cũng có đề cập tới nhưng chỉ chiếm 2,9%. Do đó, khác với các mặt hàng như quần áo, tiếp cận khách hàng trong ngành bán đồ ăn nên ưu tiên ở các app (GrabFood, ShopeeFood hoặc Baemin), số hotline và website.

+) Đăng ký các app bán đồ ăn tiêu biểu như GrabFood và ShopeeFood

+) Mua số hotline đẹp, dễ nhớ để khách hàng có thể gọi tới

+) Thiết kế website ưa nhìn, độc đáo để khách hàng có thể dễ dàng truy cập

+) Giao tờ rơi với menu rõ ràng, giảm giá theo giờ, số hotline to dễ nhìn để khách hàng đang có nhu cầu có thể đặt luôn

Một số chiến lược gợi ý cho các nhà bán đồ ăn online

Ngoài gợi ý bên trên về các kênh bán hàng, người bán cần chú ý tới hành vi khách hàng.

 

yếu tố ảnh hưởng tới quyết định mua hàng online

Yếu tố ảnh hưởng quyết định mua đồ ăn online (Nguồn: Statista, 2023)

 

Trong số 3,490 người dân được khảo sát năm 2022, 13% không thích đặt đồ ăn online. Số còn lại sẵn sàng mua đồ ăn online vì khoảng cách gần (64,7%). Yếu tố đồ ăn ngon chiếm 53%. Với voucher giảm giá, 48,5% khách hàng thích mua đồ ăn online. 47,1% muốn đọc reviews trước khi mua. 44% cần miễn ship.

+) Khách hàng tiềm năng nên là khách hàng trong phạm vi gần (ưu tiên dưới 2km, dưới 3km và dưới 5km). Do đó, nếu quảng cáo trên mạng xã hội, giới hạn khách hàng trong bán kính 2,3, hoặc 5km. Đương nhiên, ngoài lý do là phí ship rẻ, bán cho khách hàng ở gần giảm rủi ro khi vận chuyển như đồ ăn bị tan đá (chè,..), hết nóng (cơm,..).

+) Đảm bảo hương vị ngon là yếu tố cần thiết để khách hàng quay lại. Vì thế, mỗi sản phẩm mới cần test chất lượng từ người nhà, giảm giá để test chất lượng từ khách hàng quen.

+) Có thể tăng giá gốc, thay vào đó là áp dụng mã giảm giá bằng cách đăng ký với ShopeeFood hoặc Grabfood hoặc tự tạo trên website. Khách hàng rất thích việc được giảm giá sau khi áp mã.

+) Cố gắng quản lý reviews bằng cách trả lời reviews không tốt và khắc phục những đánh giá chưa tốt về đồ ăn cũng như chất lượng dịch vụ. Có thể nhắn tin với khách hàng sau khi đặt hàng qua app và nhắn khách nếu có vấn đề thì có thể gọi trực tiếp số hotline. Bằng cách trao đổi trực tiếp với khách hàng, chủ cửa hàng có thể giảm thiểu tỉ lệ nhận được đánh giá xấu.

+) Cần đăng ký miễn phí ship với các app dù phải chấp nhận chiết khấu.

+) Ngoài ra, có thể áp dụng các chiến lược khác như giảm giá theo combo sản phẩm (suất ăn với một đùi gà, một bánh humburger, một nước); quà tặng kèm (nước ngọt)..

Ngoài ra, có thể khuyến khích khách hàng review trải nghiệm trên trang cá nhân hoặc đăng trong các nhóm như “Hà Nội: Ăn gì? Ở đâu?” Hà Nội Riviu- Riviu.vn”…

TỔNG KẾT, bán đồ ăn trên các app không phải đơn giản mặc dù việc đăng ký hay bán hàng không quá phức tạp. Làm sao để cạnh tranh là một vấn đề còn hết sức nan giải của hầu hết các nhà bán hàng. Ngoài việc đảm bảo món ăn ngon, chất lượng thì các yếu tố khác như miễn ship, giảm giá và đánh giá tích cực từ các khách hàng trước cũng rất quan trọng.

 

Nguồn tham khảo

Statista (2023) Online food delivery in Vietnam.

 

>> Xem thêmNên bán gì trên các sàn thương mại điện tử năm 2023-2024? Phân tích dữ liệu tại Việt Nam

 

0like
0 Bình luận
273 Đã xem
Share

Tham gia thảo luận

chat
Bạn hãy Đăng nhập để thảo luận

icon mặt cười

Bài viết được quan tâm

Xem thêm >>