Kinh doanh
19/07/2023
Với việc phát triển của các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki và TikTok, rất nhiều người đã cân nhắc tới việc bán sản phẩm thông qua các sàn thay vì bán trực tiếp tại cửa hàng. Với xu hướng tiêu dùng biến động và nhất là thời điểm này, nền kinh tế thế giới đang gặp rất nhiều thách thức như cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine, chính sách tiền tệ thắt chặt của Mỹ để đối phó với lạm phát, nhu cầu tiêu dùng của cả thế giới cũng như Việt Nam có xu hướng giảm. Vì thế, việc buôn bán gì để có lãi trên các sàn thương mại điện tử cũng là một câu hỏi không hề dễ trả lời.
Nên bán gì trên các sàn thương mại điện tử năm 2023-2024
Trước tiên, nếu có ý định chuyển sang bán hàng trên các sàn thương mại điện tử thì cần thiết nên xem xét kênh bán hàng này có thực sự tiềm năng hay không.
Theo như dữ liệu từ trang Data Reportal (2023), tính tới tháng 1 năm 2023, có khoảng 60,7% dân số Việt Nam với độ tuổi trên 15 thực hiện ít nhất một giao dịch mua bán trên mạng mỗi tuần. Ngoài ra, 19,6% mua sản phẩm second-hand trên mạng và 27,7% sử dụng các trang so sánh giá trên mạng. Số lượng khách hàng mua online đạt 57,62 triệu trong tháng 1 năm 2023, 11,3% tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng doanh thu đạt được từ các giao dịch trên là 12,81 tỷ đô.
Shopee là kênh bán hàng có xu hướng tăng cao trong năm 2022 so với Tiki và Lazada.
Lượng truy cập Shopee hàng tháng (triệu) (Nguồn: Statista, 2023a)
Lượng truy cập Shopee tăng từ 43,16 triệu trong quý 1 năm 2020 lên tới 77,83 triệu trong quý 3 năm 2021. Trong khi đó, Lazada chỉ đạt 21,41 triệu và Tiki đạt 17,5 triệu trong cùng thời điểm quý 3 năm 2021. Đồng thời lượng truy cập cũng có xu hướng giảm.
Lượng truy cập Lazada hàng tháng (triệu lượt) (Nguồn: Statista, 2023a)
Lượng truy cập Tiki hàng tháng (triệu lượt) (Nguồn: Statista, 2023a)
Cả hai kênh thương mại điện tử Lazada và Tiki đều bị Shopee vượt mặt về lượt truy cập hàng tháng. Ngoài ra, kênh thương mại TikTok cũng đang được quan tâm rất nhiều trong thời gian gần đây. Theo như dữ liệu trong năm 2022 của Data Reportal (2023), người dùng dành nhiều thời gian trên TikTok nhất.
Phần trăm người dùng mạng xã hội so với người dùng Internet tại Việt Nam quý 1 năm 2023 (Nguồn: Statista, 2023b)
Như ở hình vẽ trên, 95% người dùng Internet sử dụng Facebook, 93% sử dụng Zalo và 63% sử dụng TikTok. Con số này cao hơn hẳn so với Instagram (48%) và Twitter (26%) dù hai mạng xã hội này được mở rộng ở Việt Nam trước TikTok. Do đó, với việc mở rộng sàn thương mại điện tử trên TikTok, đây là một kênh mới và tiềm năng cho các nhà bán hàng Việt Nam.
Vì thế, khi bắt đầu bán hàng trên sàn thương mại điện tử, cần chú ý đẩy mạnh đầu tư vào Shopee và TikTok.
Theo Data Reportal (2023), đồ điện tử như máy ảnh, di động có doanh thu cao nhất, lên tới 4,52 tỷ đô năm 2022. Tuy nhiên, nhu cầu mua sắm mặt hàng này đã giảm 6% so với năm ngoái.
Ngược lại, ngành thời trang, ở vị trí thứ hai với tổng doanh thu trong năm 2022 đạt 2,23 tỷ đô, tăng 5,1% so với năm ngoái. Kế đến là đồ chơi, sở thích và DIY với mức chi tiêu 1,78 tỷ đô năm 2023, tăng 4,3%. Trong khi đồ nội thất có xu hướng chi tiêu giảm 6,3%, chăm sóc cá nhân lại tăng 6%.
Đến tháng 2 năm 2023, các sản phẩm được ưu tiên mua trên mạng xã hội ở Việt Nam là quần áo (72%), sản phẩm mỹ phẩm và làm đẹp (51%), túi xách và giày dép (51%) và các sản phẩm thời trang khác như đồng hồ, trang sức,.. (46%).
Các sản phẩm ưu tiên mua trên mạng xã hội trong tháng 2 năm 2023 (Nguồn: Statista, 2023b)
Ngoài các mặt hàng kể trên, đồ trang trí (43%), thiết bị điện tử (36%), đồ ăn (34%) và các thực phẩm dinh dưỡng bổ sung (17%) cũng được mua trên mạng.
Do đó, dù còn khá nhiều cạnh tranh, các sản phẩm thời trang, làm đẹp và chăm sóc cá nhân lại là các mặt hàng nên cân nhắc khi bán trên các sàn thương mại điện tử hoặc mạng xã hội. Mặc dù nhu cầu mua sắm giảm nhưng người tiêu dùng Việt vẫn dễ bị thu hút bởi những quảng cáo về thời trang và làm đẹp.
Theo như nghiên cứu của Data Reportal (2023), một số động lực khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn mua online là miễn phí giao hàng, đọc được reviews từ các khách hàng đã mua trước đó.
Một số nhân tố dẫn tới quyết định mua hàng online của người Việt (Nguồn: Statista, 2023a)
50% người Việt sẵn sàng mua hàng nếu được miễn phí giao hàng. 37,9% được thúc đẩy mua hàng từ những reviews trước đó và 34,9% mua khi có phiếu mua hàng hoặc giảm giá. Ngoài ra, còn có các lý do khác như chính sách trả hàng (32,8%), thanh toán nhanh và dễ dàng (31,9%), phản hồi tích cực trên mạng xã hội (28,7%) và giao hàng ngay trong ngày hôm sau (25,8%).
Tuy nhiên, có một số rào cản mà người tiêu dùng còn ngần ngại khi chi tiêu trên các sàn thương mại điện tử, ví dụ như không chắc chắn về chất lượng sản phẩm có như quảng cáo trên mạng, lo lắng về việc bảo mật các dữ liệu cá nhân, chi phí giao hàng cao.
Một số rào cản khiến người tiêu dùng không mua hàng online (Nguồn: Statista, 2023a)
Mua hàng online còn khiến nhiều người Việt băn khoăn vì chất lượng sản phẩm không được như quảng cáo (68%), lo lắng vấn đề bảo mật thông tin cá nhân (52%) và chi phí giao hàng cao (41%). Một số rào cản khác như là dịch vụ giao hàng (30%), chăm sóc khách hàng (28%), giá cả cao hoặc không rõ ràng (26%).
Với các số liệu ở trên, một số gợi ý dành cho người bán hàng trên các sàn thương mại điện tử hoặc mạng xã hội có thể cân nhắc như sau:
KẾT LUẬN, bán hàng trên các sàn thương mại điện tử rất phổ biến ở hiện tại. Đừng bỏ qua Shopee và một trang đang phát triển như TikTok khi quyết định bán online. Mặt hàng được chi tiêu nhiều nhất, ngay cả trong thời điểm kinh tế suy thoái hiện nay là thời trang/quần áo. Tuy thế, ngành hàng này lại vô cùng cạnh tranh về mẫu mã và giá cả. Do đó, không phải quá dễ dàng khi quyết định thâm nhập vào ngành thời trang online trong thời điểm hiện tại. Người bán nên lưu ý một số vấn đề khi bán hàng online như chi phí vận chuyển (miễn phí là ưu tiên), làm sao để chứng minh chất lượng sản phẩm tới người dùng và thu hút các reviews tích cực về sản phẩm của mình.
Nguồn tham khảo
Data Reportal (2023) Digital 2023 in Vietnam.
Statista (2023a) E-commerce in Vietnam.
Statista (2023b) Social media in Vietnam.
>>> Xem thêm: Mở rộng kinh doanh trong năm 2023-2024, có nên hay không?