Bệnh về mắt

31/03/2023

Hiểu về bệnh nhược thị ở trẻ để có biện pháp điều trị tốt nhất

Theo thống kê, cứ 100 trẻ thì có khoảng 3 trẻ bị nhược thị. Nếu không may con của bạn gặp phải tình trạng này thì cũng đừng quá lo lắng. Việc trước tiên cần làm là hiểu thật kỹ, thật đúng về căn bệnh này để có các phương pháp điều trị phù hợp nhất. Tránh tình trạng đọc quá nhiều thông tin trên mạng nhưng không có nguồn chính thống hoặc chứa đựng một số thông tin sai lệch. Điều này có thể gây hoang mang không cần thiết cho cha mẹ và mất tiền vô ích vào các khoá học.

Nhược thị là gì?

Theo National Eye Institute (Viện Mắt Quốc gia trực thuộc Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ), nhược thị (Amblyopia) còn gọi là mắt lười. Đây là tình trạng giảm thị lực, thường xảy ra ở một mắt và hiếm khi xảy ra với cả hai mắt. Tình trạng này thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Có sự cố trong quá trình tiếp nhận thông tin từ mắt tới não. Lâu dần, não gần như chỉ tiếp nhận hình ảnh từ một mắt và dẫn tới việc giảm thị lực nặng ở mắt còn lại.

Vì thế, về cơ bản, nhược thị là một bất thường trong quá trình phát triển của hệ thống thị giác từ khi trẻ còn nhỏ, dẫn tới việc kể cả đeo kính cũng không thể đạt được thị lực tối đa, thường sẽ dưới 7/10.

 

mắt bị nhược thị

Mắt bị nhược thị và mắt bình thường (Nguồn: Haysiri)

Tác hại của bệnh nhược thị

Việc giảm thị lực dẫn tới khó nhìn đồ vật, hình ảnh nên chắc chắn sẽ gây ra rất nhiều bất tiện cho trẻ. Theo như trung tâm mắt trẻ em FSEC, khả năng tiếp nhận thông tin của con người và hiệu quả của một thông điệp truyền tải được quyết định bởi 55% là hình ảnh và cử chỉ. Do vậy, nếu tình trạng nhược thị không được cải thiện, quá trình học tập và phát triển của trẻ sẽ bị ảnh hưởng không tốt.

Một số tác hại của bệnh nhược thị ở trẻ:

  • Tiếp nhận hình ảnh thiếu chính xác: trẻ không nhìn rõ được mặt chữ, mặt số, ..
  • Thời gian xử lý thông tin chậm: trẻ học tập, tiếp thu không nhanh bằng các bạn cùng trang lứa vì phải đợi thời gian não xử lý thông tin
  • Tự ti, rụt rè trong giao tiếp

Đặc biệt, sau 7 tuổi, dây thần kinh thị giác ở trẻ sẽ hoàn thiện nên bệnh nhược thị càng khó để điều trị.

Biểu hiện bệnh nhược thị

Theo khuyến cáo của National Eye Institute, Viện Mắt Quốc gia Mỹ, trẻ em nên được đi khám mắt ít nhất một lần ở độ tuổi từ 3-5 tuổi vì biểu hiện của bệnh nhược thị không quá rõ ràng.

Tuy nhiên, cha mẹ có thể để ý một số dấu hiệu để đặt ra nghi ngờ con bị nhược thị hay không:

  • Nheo mắt, dụi mắt khi nhìn
  • Nhắm một mắt khi nhìn
  • Nghiêng đầu khi nhìn
  • Viết sai hàng
  • Kêu mỏi mắt
  • Trẻ lớn có thể tự phát hiện mình nhìn bị mờ

 

nhiều trẻ bị nhược thị khi đi khám mắt

Nhiều trẻ bị nhược thị chỉ được chẩn đoán khi đi khám mắt (Nguồn: Haysiri)

Nguyên nhân của bệnh nhược thị

Trong nhiều trường hợp, nguyên nhân của bệnh nhược thị không được ghi nhận cụ thể. Tuy thế, có một vài tật về mắt cũng là vấn đề dẫn tới bệnh nhược thị (theo National Eye Institute, Viện Mắt Quốc gia Mỹ):

  • Tật khúc xạ: như cận thị, viễn thị hoặc loạn thị. Trong trường hợp thông thường, các tật này có thể được xử lý bằng cách đeo kính. Nhưng nếu không được điều trị kịp thời, não có thể sẽ chỉ lấy thông tin dựa vào mắt khoẻ và bỏ qua mắt yếu, dẫn tới nhược thị một bên mắt.
  • Lác: đây là một trong những nguyên nhân dễ dẫn tới bệnh nhược thị ở trẻ nhất. Xảy ra khi mắt bị lệch trục thường xuyên từ nhỏ. 

 

mắt bình thường và mắt bị lác

Biểu hiện của mắt bị lác so sánh với mắt bình thường (Nguồn: Haysiri)

 

  • Đục thuỷ tinh thể: Với trẻ nhỏ bị đục thuỷ tinh thể bẩm sinh, mọi thứ đều nhìn thấy rất mờ nhạt do có vẩn đục trong thuỷ tinh thể của mắt.

 

hiện tượng đục thuỷ tinh thể ở mắt

Hiện tượng đục thuỷ tinh ở mắt (Nguồn: Haysiri)

 

Một số trẻ bị nhược thị ngay từ khi sinh ra, số khác mắc bệnh khi lớn dần. Theo như Viện Mắt Quốc Gia Hoa Kỳ, nguy cơ mắc bệnh nhược thị cao hơn ở một số trẻ sơ sinh:

  • Sinh non
  • Nhỏ hơn mức trung bình khi được sinh ra
  • Có tiền sử gia đình bị nhược thị, đục thuỷ tinh thể ở trẻ em hoặc các bệnh khác về mắt

Bệnh nhược thị có thể chữa được không?

Tin vui là bệnh nhược thị hoàn toàn có thể chữa trị được với nhược thị chức năng.

Trước tiên, bác sĩ sẽ xác định xem trẻ bị nhược thị có phải là do tật khúc xạ hay đục thuỷ tinh thể hay không. Với trẻ bị các tật khúc xạ, bác sĩ sẽ yêu cầu trẻ đeo kính. Trẻ bị đục thuỷ tinh thể sẽ làm phẫu thuật.

Sau đó, với trẻ bị nhược thị chức năng, mục tiêu là trẻ khỏi nhược thị hoàn toàn với thị lực khi đeo kính là 20/20.

Trẻ bị nhược thị đa phần giảm thị lực ở một mắt. Vì thế, phương pháp trị liệu là che mắt khoẻ lại để buộc não phải tiếp nhận hình ảnh từ mắt yếu hơn. Thời gian phải đeo bịt mắt được đưa ra bởi bác sĩ, tuỳ vào tình hình thực tế của trẻ. Một số em phải đeo trong 2 giờ trong khi một số khác phải đeo trong thời gian lâu hơn.

 

đeo kính một mắt để chữa nhược thị

Đeo bịt mắt để điều trị tật nhược thị (Nguồn: Haysiri)

 

Đa số trẻ em được khuyến khích đeo bịt mắt và tập trung quan sát khi hoạt động ví dụ như vẽ tranh, tô màu hoặc chơi xếp hình. Tuy che một mắt sẽ hơi khó khăn với trẻ em nhưng việc này là cần thiết để giảm nhược thị chức năng. Một số trẻ sẽ mất vài tuần thậm chí vài tháng mới bắt đầu thấy tình trạng mắt được cải thiện. Vì thế, cha mẹ không được quá nôn nóng hoặc quá lo sợ nếu khi đi khám lần tiếp theo vẫn chưa thấy có chuyển biến tích cực.

Ngoài ra, có thể sử dụng thêm phương pháp là dùng thuốc nhỏ mắt cho mắt khoẻ một lần một ngày (Atropine 0,5% - 1%). Mục đích là để tạm thời làm mờ tầm nhìn của mắt khoẻ và bắt não phải sử dụng thông tin từ mắt còn lại. Thuốc được sử dụng với các bé không tuân thủ bịt mắt hoặc thường tháo bịt mắt ra.

 

ví dụ thuốc nhỏ mắt chữa nhược thị atropine

Ví dụ về thuốc nhỏ Atropine 0.5% (Nguồn: Internet)

 

Hiện nay, có thêm phương pháp dùng công nghệ: phần mềm tập nhược thị để giúp trẻ nâng cao thị lực ở độ tuổi 4-7. Tuy nhiên, phần mềm được sử dụng dưới sự giám sát của bác sĩ.

 

phần mềm chữa nhược thị cho trẻ

Phần mềm tập nhược thị cho bé (Nguồn: FB Trần Hồng Hạnh)

 

Lưu ý bệnh nhược thị thực thể không thể hồi phục mắt trở về bình thường được. Vì thế, cha mẹ cần sớm đưa bé đi khám để bác sĩ xác định tình trạng bệnh của bé.

 

Cha mẹ có thể đọc thêm bài viết về các phương pháp điều trị bệnh nhược thị ở trẻ dưới đây:

Phác đồ điều trị nhược thị và các bài tập hiệu quả: Chia sẻ từ bác sĩ phó khoa Mắt Trẻ em Bệnh Viện Mắt Trung Ương

 

TỔNG KẾT, tình trạng nhược thị khó để phát hiện, nhưng cũng không quá khó để điều trị khỏi hoàn toàn, chỉ cần cha mẹ cố gắng đồng hành cùng con và được trang bị kiến thức đúng về tình trạng bệnh.

 

>> Xem thêm: Bé 4 tuổi phát hiện bị cận loạn và nhược thị: Tâm sự của mẹ Huệ Trần về hành trình giúp con có đôi mắt khoẻ

 

0like
0 Bình luận
1,175 Đã xem
Share

Tham gia thảo luận

chat
Bạn hãy Đăng nhập để thảo luận

icon mặt cười

Bài viết được quan tâm

Xem thêm >>