Bệnh về mắt

31/03/2023

Bé 4 tuổi phát hiện bị cận loạn và nhược thị: Tâm sự của mẹ Huệ Trần về hành trình giúp con có đôi mắt khoẻ

Có khoảng 3% trẻ dưới 6 tuổi mắc phải tật nhược thị. Tuy nhiên, theo như nghiên cứu của Michael & Repka (2018), phần lớn trẻ dưới 7 tuổi bị nhược thị có thể cải thiện từ 2/10 đến 8/10, thậm chí 10/10. Ngược lại, trẻ trên 7 tuổi đã hoàn thiện về não bộ và thần kinh thị giác nên khả năng hồi phục rất thấp. Do đó, các bé có nghi ngờ bị nhược thị cần được điều trị ngay từ sớm. Bài viết dưới đây là chia sẻ của một mẹ về hành trình đưa con tới với đôi mắt khoẻ.

Nhược thị là gì?

Nhược thị hay còn gọi là tình trạng mắt lười ở trẻ. Khi đó, thị lực ở một bên mắt hoặc cả hai bên mắt bị giảm do não không ghi nhận được những hình ảnh mà mắt bệnh nhân chuyển đến. Tật này không thể cải thiện bằng cách đeo kính, dùng kính áp tròng và cũng không do bệnh nào về mắt gây nên.

 

Cụ thể về bệnh nhược thị ở trẻ, nguyên nhân và triệu chứng, cha mẹ có thể xem tại đây.

Hiểu về bệnh nhược thị ở trẻ để có biện pháp điều trị tốt nhất

Chia sẻ hành trình khám chữa cho con bị nhược thị của mẹ Huệ Trần

Phát hiện bệnh

Khi bé được 4 tuổi, gia đình chị Huệ Trần đưa con đi khám mắt và khá shock về kết quả nhận được. Những hình ảnh trên bảng rất to nhưng con không thể đọc được. Bé bị cận loạn 3 độ và nhược thị vì thị lực chỉ được 3/10.

 

bé 4 tuổi cận loạn nhược thị

Khám mắt cho trẻ thường xuyên giúp cha mẹ phát hiện bệnh về mắt của trẻ nhanh hơn (Nguồn: Haysiri) 

Bình tĩnh, chấp nhận sự thật và tìm cách giải quyết

Bước này là bước rất quan trọng với tất cả mọi người trong gia đình, kể cả bố mẹ, ông bà. Hầu hết mọi người có con khi đi khám phát hiện nhược thị đều cảm thấy khá bất ngờ và đúng hơn là shock. Nhiều mẹ chia sẻ chỉ biết khóc rất nhiều vì thương con và gia đình rối hết cả lên. Có người sẽ tra cứu thông tin trên Google, có người thì không tin nên đi khám hết phòng khám này tới phòng khám khác. Hoặc có gia đình thì trách móc lẫn nhau.

Tuy nhiên, nhược thị nặng có thể do nhiều nguyên nhất. Như bé nhà chị Huệ Trần, tivi điện thoại rất hạn chế cho xem. Cha mẹ cũng không bị cận. Chị mất gần 1 tháng mới bình tĩnh được và dần chấp nhận sự thật con bị nhược thị và cận loạn như thế.

Do đó, khi nhận được tin con bị nhược thị, cha mẹ cần cố gắng tiếp nhận thông tin một cách tích cực nhất: “Bình tĩnh, chấp nhận và đối mặt”. Việc cần làm là tìm cách giải quyết chứ không phải là truy lại nguyên nhân gây bệnh hay hoảng loạn và lo lắng. Điều này càng khiến con sợ hãi hơn và bệnh nặng hơn.

Lựa chọn phòng khám, bác sĩ có tâm

Đến bước này thì gia đình chị Huệ bắt đầu quan tâm xem cần lựa chọn phòng khám và bác sĩ nào để có thể tin tưởng và kỳ vọng đôi mắt con trở lại mạnh khoẻ. Sau một thời gian tìm hiểu thì chị quyết định tin vào bác sĩ Châu - phó khoa Mắt Trẻ em. Theo như chị chia sẻ thì lần đầu đưa con tới bệnh viện Mắt Trung Ương, bác đã tiếp đón nồng nhiệt, ân cần và cũng hỏi han mẹ và con rất kỹ khiến chị cảm thấy an tâm. Bác làm việc tại phòng khám “Trung tâm Mắt Trẻ em FSEC” tại số 213 Tôn Đức Thắng, Hà Nội.

 

bác sĩ phạm minh châu

Bác sĩ Phạm Thị Minh Châu được nhiều cha mẹ tin tưởng đồng hành cùng con bị nhược thị (Nguồn: FB Phạm Thị Minh Châu) 

Đồng hành cùng con chữa nhược thị

Bước đầu, khi tới phòng khám có bác sĩ Châu, bé được đo mắt và bác sĩ có giải thích chi tiết về vấn đề của con để mẹ yên tâm. Bé được nhỏ thuốc liệt điều tiết kiểm tra chính xác số và cấp kính và yêu cầu tái khám theo chu kỳ sau 4 tuần (cách 1 tháng đi kiểm tra).

Ở chu kỳ đầu, con không hề có cải thiện.

Tới chu kỳ thứ 2, tình trạng mắt của con vẫn không có dấu hiệu tích cực hơn.

Với hai chu kỳ đầu, con chỉ đeo kính và theo dõi.

Tới chu kỳ thứ 3, mẹ được động viên cho con tập vẽ tranh, tô màu và ghép hình để rèn sự tập trung. Đối với bé nhược thị 1 bên mắt hoặc thị lực chênh khá nhiều ở hai mắt thì bé cần bịt 1 bên mắt và tập tô chữ, vẽ tranh, tô màu,.. Ngày cần bịt 4 tiếng. Việc này khá khó khăn và vất vả với các em bé nhỏ. Vì thế, sự đồng hành và hỗ trợ từ bố mẹ là vô cùng cần thiết.

Phải tới tận chu kỳ thứ 5, con mới có sự cải thiện. Thị lực lên được 6/10.

Gần 1 năm sau thì con chính thức hết nhược thị. (Kết quả thị lực cấp kính 20/20). Khi đó, mẹ đã đổi phương pháp khác cho con là mua phần mềm tập nhược thị. Phần mềm có bán bởi Trung tâm Mắt Trẻ em FSEC. Khoảng 10tr cho 120 buổi tập.

 

kết quả khám nhược cận thị

Ví dụ kết quả khám con hết nhược thị và cận 3,25 độ (Nguồn: FB Phuong Le) 

Tiếp tục hành trình không tăng độ cận cho con

Các bé bị nhược thị khi khỏi rất dễ bị cận thị. Vì thế, hành trình tìm lại đôi mắt khoẻ cho con không hề dễ dàng. Khi đó, cha mẹ phải cố gắng tìm cách để con không bị tăng độ nữa hoặc làm chậm quá trình tăng phẩy của con.

Một số loại thuốc nhỏ mắt tốt như Sancoba (nhỏ mắt khoảng 3 lần 1 ngày, mỗi lần 1 giọt).

 

thuốc nhỏ mắt sancoba

Thuốc nhỏ mắt Sancoba (Nguồn: Internet)

Theo như gợi ý từ bác sĩ Châu, thực phẩm chức năng có thể dùng thường xuyên. Thuốc bổ dùng 1 tháng nghỉ 2-3 tháng. Cha mẹ tăng cường cho con ăn các loại thực phẩm tự nhiên có màu đỏ, vàng, da cam và xanh đậm.. như cà rốt, cà chua, khoai lang,..

Ngoài ra, gia đình chị Huệ đã cho con dùng cách điều trị bằng kính tiếp xúc Ortho-k là một dạng kính áp tròng ban đêm để hỗ trợ điều chỉnh thị lực do các tật khúc xạ như cận, viễn và loạn thị. Ban đầu sử dụng kính sẽ hơi khó khăn nhưng quen dần sẽ nhanh hơn. Ban ngày bé không phải đeo gọng kính và độ cận không tăng. Chi phí tuỳ vào độ cận và loạn của mắt. Như một mẹ chia sẻ thì chi phí 19tr/1 cặp. Mỗi tháng thêm khoảng 400k chi phí ngâm nước kính và nước nhỏ mắt chuyên dụng. Kính sẽ thay sau khoảng 2-3 năm. Khi thay hãng sẽ có hỗ trợ 50%.

Kết luận, cần phát hiện trẻ bị nhược thị càng sớm càng tốt vì khả năng đáp ứng với điều trị của trẻ nhỏ dưới 7 tuổi là rất cao. Hành trình này cần sự ủng hộ và đồng hành của cả gia đình cũng như sự tin tưởng vào bác sĩ. Mục tiêu là con hết nhược thị khi có thể đạt thị lực 10/10 khi đeo kính. Sau đó, trẻ cần được rèn luyện thói quen ngồi học, nghỉ ngơi khi đọc sách, hạn chế xem tivi và điện thoại cũng như nhỏ mắt thường xuyên, bổ sung thực phẩm, thuốc bổ tốt cho mắt để giảm độ cận.

 

>> Xem thêm: Nhồi máu cơ tim cấp là gì? Các dấu hiệu phát hiện bệnh kịp thời để điều trị tốt nhất

 

0like
0 Bình luận
627 Đã xem
Share

Tham gia thảo luận

chat
Bạn hãy Đăng nhập để thảo luận

icon mặt cười