Mang thai

16/03/2023

Khám tiểu đường thai kỳ: Review thực tế đi khám tại bệnh viện phụ sản Hà Nội (Cập nhật 2023)

Tiểu đường thai kỳ là một trong những bệnh lý nguy hiểm ở sản phụ vì có thể gây tiền sản giật, dư ối cho mẹ, mất tim thai ở con. Vì thế, không nên bỏ qua xét nghiệm này ở tuần 24-28 của thai kỳ. Nếu quá lo lắng quá trình đi khám không thuận lợi, các mẹ có thể đọc bài viết tổng hợp các review và kinh nghiệm chân thực của các sản phụ khác tại bệnh viện phụ sản Hà Nội.

 

khám tiểu đường thai kỳ bệnh viện phụ sản

Review thực tế đi khám tiểu đường thai kỳ tại bệnh viện phụ sản Hà Nội

Khi nào thì cần làm xét nghiệm đái tháo đường thai kỳ?

Thông thường, các sản phụ sẽ làm xét nghiệm kiểm tra tiểu đường thai kỳ ở tuần thứ 24 tới tuần thứ 28. Tuy nhiên, thực tế, ở bệnh viện phụ sản Hà Nội, các thai phụ có thể được sàng lọc ở các tuần trước đó.

Cụ thể, dưới 13 tuần đầu: xét nghiệm HbA1C và glucose máu. Thời điểm này, nếu sản phụ thuộc vào tuype có yếu tố bị tiểu đường thai kỳ sẽ được thực hiện nghiệm pháp tăng đường huyết theo chỉ định của bác sĩ. Nếu không có bất thường, các mẹ yên tâm đợi tới tuần 24-28 thì làm tiếp xét nghiệm đường huyết. Nếu có bất thường, thai phụ sẽ được điều trị nằm viện hoặc tại nhà tuỳ vào tình trạng thực tế.

Tại sao cần làm xét nghiệm tiểu đường thai kỳ?

Nhiều mẹ cho rằng bản thân không ưa ngọt, không thích ăn nhiều cơm và khá gầy thì chắc chắn sẽ không mắc tiểu đường thai kỳ. Tuy nhiên, suy nghĩ này hoàn toàn sai. Có nhiều trường hợp sản phụ như trên khi đi xét nghiệm mới biết mắc bệnh.

Nếu ở tình trạng nặng, rất có thể thai phụ đã bị nhiều biến chứng khác, như mất tim thai, tiền sản giật, dư ối. Vì thế, xét nghiệm tiểu đường thai kỳ là vô cùng cần thiết để đảm bảo mẹ khoẻ con khoẻ.

Kiểm tra tiểu đường thai kỳ thường xuyên (Nguồn: Haysiri)

Thực tế khám tiểu đường thai kỳ tại bệnh viện phụ sản Hà Nội

Thủ tục khám

Các mẹ khám tiểu đường thai kỳ ở toà B, tầng 2 (khám dịch vụ thông thường) hoặc tầng 1 (khám chuyên sâu). Tới quầy lễ tân, nhận số và đợi tới lượt mình thì đóng tiền xét nghiệm, đi lấy máu.

Ngoài ra, khám dịch vụ các mẹ có thể gọi tới tổng đài và đặt lịch sẵn 19006922. Có tin nhắn gửi về thì tới bệnh viện đưa cho lễ tân, nộp tiền và đi lấy máu luôn.

Xét nghiệm

Sản phụ tới khám tiểu đường thai kỳ sẽ làm 3 xét nghiệm:

  • Kiểm tra đường huyết khi đói
  • Uống một cốc nước đường theo đúng liều lượng và làm xét nghiệm lại
  • 2 tiếng sau khi uống nước đường làm tiếp xét nghiệm

Tuy nhiên, thực tế nếu ở lần kiểm tra đầu đã có bất thường, thai phụ đã được kết luận mắc biến chứng tiểu đường thai kỳ rồi. Hoặc sau uống 1 giờ, kết quả cao hơn khoảng tham chiếu thì cũng có kết luận tương tự.

Kết quả như nào là bị tiểu đường thai kỳ?

Nếu cả 3 chỉ số đều cao hơn ngưỡng cho phép, ví dụ như ảnh dưới, chắc chắn sản phụ đã mắc tiểu đường thai kỳ. Thậm chí, với kết quả như thế, tốt nhất cần nằm viện và điều trị theo chỉ định của bác sĩ (có thể sẽ tiêm insulin).

 

kết quả xét nghiệm tiểu đường thai kỳ

Kết quả xét nghiệm tiểu đường thai kỳ cao ở cả 3 chỉ số (Nguồn: FB Nguyễn Thuý Hằng) 

 

Ngưỡng cho phép của glucose là dưới 5.1 trước khi thực hiện nghiệm pháp dung nạp đường, dưới 10 sau khi uống nước đường 1 giờ và dưới 8.5 sau 2 giờ. Tuy nhiên, chỉ cần một chỉ số cao cũng kết luận mắc đái tháo đường thai kỳ.

Ngoài ra, kể cả khi sản phụ có kết quả 3 chỉ số không vượt ngưỡng tham chiếu, những có một chỉ số lại sát sao với ngưỡng cho phép (ví dụ glucose sau uống 1 giờ đạt 9.4 gần 10) thì vẫn nên điều chỉnh chế độ ăn uống và một vài tuần sau (hoặc tới tuần 24 nếu khi làm xét nghiệm chỉ tầm tuần 12-16) đi khám lại.

Chi phí đi xét nghiệm tiểu đường thai kỳ tại bệnh viện phụ sản Hà Nội

Chi phí làm nghiệm pháp dung nạp đường huyết tại bệnh viện phụ sản Hà Nội là 220k vào ngày hành chính, riêng thứ 7, chủ nhật là 250k.

Còn nếu các mẹ có thêm khám, siêu âm thai (siêu âm 4D), xét nghiệm máu và nước tiểu thì sẽ vào tầm 2 triệu.

Khám ngoài có thể sẽ rẻ hơn, ở Medlatec là 160k.

Lưu ý:

  • Khám tiểu đường thai kỳ có nhiều bước, cả xét nghiệm máu và dung nạp đường huyết nên mất hơi nhiều thời gian. Các mẹ nên tới sớm khoảng 6h40-7h để đỡ chờ và phải nhịn đói quá lâu.
  • Khi làm xét nghiệm đường huyết, sản phụ cần nhịn ăn trước ít nhất 8 tiếng. Tốt nhất là nhịn ăn từ 10h tối hôm trước.
  • 3 xét nghiệm đều là lấy máu nên thai phụ có thể sẽ hơi mệt. Nếu có chồng hoặc người nhà đi cùng là tốt nhất.
  • Nước đường khá khó uống, rát cổ, dễ gây nôn nao những các mẹ cố gắng nhịn cảm giác nôn và nuốt hết nhé vì nếu bị nôn ra rất khó để uống lại. Một tip nhỏ là sau khi uống thì ngả lưng ra sau và hít thở sâu. Ngược lại, có nhiều mẹ uống thấy ngọt, dễ chịu, tỉnh táo hơn nên việc này chắc tuỳ cảm nhận của mỗi người.

 

>> Xem thêm: Review máy đo đường huyết, tư vấn bởi bác sĩ bệnh viện Nội Tiết Trung Ương

 

0like
0 Bình luận
378 Đã xem
Share

Tham gia thảo luận

chat
Bạn hãy Đăng nhập để thảo luận

icon mặt cười

Bài viết được quan tâm

Xem thêm >>