Review Thiên đường Bảo Sơn cho bé đi chơi dịp 30/4-1/5 (cập nhật tháng 4/2023)

Thiên Đường Bảo Sơn được thành lập từ năm 2008. Cho tới nay đã trải qua nhiều lần bảo dưỡng, phục hồi cũng như xây mới một số khu vực. Cùng với đó, giá vé cũng có chiều hướng tăng đáng kể. Tuy nhiên, dù có nhiều chương trình marketing, các trò chơi cảm giác mạnh cũng như tích hợp cả hệ thống vui chơi, nghỉ dưỡng và ẩm thực, Thiên Đường Bảo Sơn vẫn gặp nhiều review tiêu cực. Bài viết dưới đây tổng hợp thông tin về giá vé, tình trạng thực tế về cơ sở vật chất và các chia sẻ chân thực của gia đình đã cho con đi chơi tại đây.

 

review thiên đường bảo sơn

Review Thiên đường Bảo Sơn cho bé đi chơi dịp 30/4-1/5 (cập nhật tháng 4/2023)

Thiên Đường Bảo Sơn ở đâu?

Công viên Thiên Đường Bảo Sơn nằm ở đường Lê Trọng Tấn, An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội. Từ nội thành Hà Nội, mọi người có thể chọn đi xe ô tô riêng, xe máy, thuê taxi hoặc đi xe bus. Một số tuyến xe buýt có đi qua Thiên Đường Bảo Sơn là 19 (có điểm cuối là cổng khu vui chơi, đi từ Trần Khánh Dư), 71, hoặc 74 (xuống ở điểm KCN An Khánh).

Nếu đi xe máy hoặc ô tô riêng, bạn có thể đi theo hướng Ngã Tư Sở về Hà Đông. Đến ngã tư Văn Phú- Lê Trọng Tấn rẽ phải, đi tiếp đường Lê Trọng Tấn khoảng 3km là tới công viên.

Giờ mở cửa

Thiên Đường Bảo Sơn mở cửa từ 8h sáng tới 17h các ngày trong tuần và tới 18h hai ngày cuối tuần.

Riêng thứ 2 công viên không mở cửa (trừ ngày lễ).

Một số khung giờ có các hoạt động trong công viên, ví dụ như múa rối nước từ 11h-11h30 và 15h30-16h hàng ngày.

 

khung giờ biểu diễn ở thiên đường bảo sơn

Khung giờ biểu diễn một số hoạt động tại công viên Thiên Đường Bảo Sơn (Nguồn: Website Thiên đường bảo sơn)

 

Khi tới tham quan và vui chơi tại Thiên Đường Bảo Sơn, gia đình nên để ý khung giờ có một số hoạt động mà bé có thể rất thích như xiếc và múa rối nước để sắp xếp thời gian vui chơi và nghỉ ngơi phù hợp.

Một số quy định

  • Khu vui chơi không cho mang đồ ăn vào (trừ sữa hoặc đồ ăn dặm của trẻ em hoặc đồ ăn đặc biệt với người bị dị ứng, tu hành, ..)
  • Thú cưng không được phép đưa vào.
  • Không cho trải thảm ăn uống tự do ở bãi cỏ, trên đường hoặc các khu vực cấm.
  • Xuống bể bơi cần mặc đồ bơi hoặc quần áo ngắn phù hợp.

Giá vé

 

giá vé vào thiên đường bảo sơn

Giá vé mới nhất tại Thiên Đường Bảo Sơn cho dịp lễ, áp dụng từ 29/4-3/5 (Nguồn: FB Thiên Đường Bảo Sơn)

 

Riêng dịp lễ, khu vui chơi áp dụng giá vé trọn gói (trừ ẩm thực, lưu trú và VR game) là 350k cho khách từ 1m-1m3 và 390k cho khách trên 1m3. Dưới 1m miễn phí.

Như thế, du khách có thể thoả sức tham quan công viên, tham gia các trò chơi như đu quay mặt trời, vượt long môn và thuyền cướp biển.

 

giá vé tháng 4 thiên đường bảo sơn

Giá vé tháng 4 (không áp dụng cho ngày lễ) tại Thiên Đường Bảo Sơn (Nguồn: Website Thiên Đường Bảo Sơn)

 

Vào ngày thường từ thứ 3 tới thứ 7, giá vé người lớn là 180k, khách cao từ 1m-1m3 là 150k. Chủ nhật bán vé trọn gói 320k và 270k tuỳ từng độ cao. Ngày thường, du khách sẽ mua vé lẻ tham gia các trò chơi, đi tàu hoả quanh công viên, xem múa rối, phim bay (chỉ mở T7 và Chủ nhật).

 

bảng giá vé trò chơi lẻ thiên đường bảo sơn

Bảng giá trò chơi lẻ vào ngày thường (ko áp dụng dịp lễ) tại Thiên Đường Bảo Sơn (Nguồn: Website Thiên Đường Bảo Sơn)

 

Rất nhiều trò chơi không mở vào ngày thường, ví dụ như cú rơi vô cực, trò chơi ếch nhảy, tàu hoả đung đưa và bay giữa ngân hà.

Hiện trên website có thể đặt vé online.

 

đặt vé online thiên đường bảo sơn

Đặt vé online trên website Thiên Đường Bảo Sơn (Nguồn: Website Thiên Đường Bảo Sơn)

 

Nếu đặt vé số lượng khoảng trên 20 người, quý khách có thể được giảm giá, khoảng 5%.

Nghỉ ngơi ở đâu?

Hiện tại, khi tham gia vui chơi tại Thiên Đường Bảo Sơn, gia đình có thể lựa chọn nghỉ luôn bên trong đó cho tiện đi chơi một ngày hoặc hai ngày.

  • Khách sạn Bảo Sơn
  • Nhà sàn
  • Homestay nhà trên cây và làng Pháp

 

giá khách sạn ở thiên đường bảo sơn

Bảng giá khách sạn Bảo Sơn (Nguồn: Website Thiên Đường Bảo Sơn)

 

Cập nhật từ ngày 16/4/2023, giá khách sạn Bảo Sơn khá cao. Phòng tiêu chuẩn với 2 giường đơn cho 2 người là 700k thuê trong ngày và 900k qua đêm. Miễn phí tối đa 2 trẻ em dưới 6 tuổi 1 phòng. Giá đã tăng so với trước ngày 16/4 (500k trong ngày và 700k qua đêm).

 

khách sạn ở thiên đường bảo sơn

Khách sạn mới được sửa chữa lại, rộng, thoáng và đẹp hơn (Nguồn: Website Thiên Đường Bảo Sơn)

 

Khách sạn được xây lại mới hơn, so với trước dịch Covid-19, phòng hơi nhỏ, tối và bí. Với mức giá 700k trong ngày, cha mẹ có thể cân nhắc thêm. Tuy nhiên, vào ngày lễ thì số lượng khách rất đông nên phòng ốc có thể không có sẵn nếu không đặt trước.

 

bảng giá nhà sàn tại thiên đường bảo sơn

Bảng giá nhà sàn tại Thiên đường bảo sơn (Nguồn: Website Thiên đường bảo sơn)

 

Nghỉ ngơi tại nhà sàn ưu tiên khách đoàn thì phù hợp hơn (25k/1 người/ 1 giờ). Còn khách lẻ là 30k nhưng nếu chỉ nghỉ ngơi một thoáng chốc thì cũng được, vì sẽ không có sự riêng tư.

 

bảng gía homestay thiên đường bảo sơn

Bảng giá Homestay tại Thiên đường Bảo Sơn (Nguồn: Website Thiên đường Bảo Sơn)

 

Riêng khu homestay thì không có nghỉ qua đêm. Giá trọn gói phòng là từ 600k. Tuy nhiên, trước đó thì một gia đình review là nhà trên cây không có nhà vệ sinh khép kín trong phòng, cần đi vệ sinh ở ngay cạnh homestay. Không biết hiện tại công viên đã mở rộng cơ sở vật chất chưa, cha mẹ nên gọi điện vào số hotline hỏi cụ thể.

 

khu nhà trên cây ở thiên đường bảo sơn

Khu nhà trên cây (Nguồn: FB Thiên Đường Bảo Sơn)

 

Ngoài ra, nhà sàn sẽ không có điều hoà như khách sạn và homestay nên thời tiết nắng nóng sẽ rất mệt cho các bé nếu muốn nghỉ ngơi. Còn nếu vào ngày trời mát mẻ thì thuê nhà sàn cũng khá ổn vì có chiếu, gối, quạt và chỉ tính vé người lớn. So với ở khách sạn và homestay chỉ vài tiếng thì ở nhà sàn rẻ hơn nhiều.

Nếu đi vào dịp lễ thì nên đặt từ sớm cho bé nghỉ ngơi buổi trưa vì sẽ rất đông, gần ngày khó đặt. Khu vui chơi mở tới 17h-18h nên nếu nghỉ lại qua đêm cũng không có hoạt động gì cả, chủ yếu là chơi với nhau, xem phim trên tivi hoặc điện thoại. Đặc biệt, ngày hôm sau vẫn phải mua vé (có thể được giảm 50%) chứ không phải là miễn phí cho ngày hôm sau luôn.

Note nhỏ: Nếu nhà không có nhiều đồ (sữa bột, sữa uống, bỉm,..) cho bé nhỏ thì có thể không cần thuê homestay hay phòng khách sạn cho tốn. Các bé ăn uống xong có thể ra khu Kids Town có điều hoà mát rượi để vui chơi, nghỉ ngơi. Người lớn có thể ngồi nghỉ tạm luôn tại khu ăn uống, hoặc các ghế đá dưới bóng cây.

Ăn uống trong Thiên đường bảo sơn có những gì?

Trong khu vui chơi cũng có nhiều điểm để gia đình ăn uống.

 

các khu ẩm thực trong thiên đường bảo sơn

Các khu vực ẩm thực trong Thiên đường Bảo Sơn (Nguồn: Website Thiên Đường Bảo Sơn)

 

nhà hàng Hobby, nhà hàng Cung ĐìnhFast food safari là mở tất cả các ngày trong tuần. Riêng khu vực chợ quê và nhà hàng Đông Dương chỉ mở vào dịp lễ, thứ 7 và Chủ nhật.

Nhà hàng Hobby có phong cách rất đẹp, đồ ăn cũng khá ngon, có nhà review món lẩu chim ở đó khá hấp dẫn.

 

bảng giá lẩu tại nhà hàng hobby

Bảng giá một số loại lẩu ở nhà hàng Hobby (Nguồn: FB Nhà hàng Hobby)

 

Ngoài ra, lẩu có thể gọi đồ thêm như gà ta nửa con 180k, chim câu 170k 1 con, 45k 1 đĩa đậu rán, 280k 1 đĩa tôm thả lẩu,..

Nhà hàng cũng có các món cơm với giá cơm trắng 35k 1 bát, canh cải thịt 100k 1 bát, gà ta kho gừng 245k 1 đĩa hoặc các đặc sản như dê tái chanh 330k 1 đĩa, lợn mán hấp 270k 1 đĩa, vịt trời cái om sấu 425k 1 con, vạc rang muối 375k 1 con. Mọi người có thể xem thêm thực đơn đầy đủ trên FB của nhà hàng.

 

một sét lẩu tại nhà hàng hobby

Một set lẩu tại nhà hàng Hobby (Nguồn: FB Nhà hàng Hobby)

 

Tuy nhiên, với mức giá đồ ăn tại nhà hàng thì nhiều người review là khá cao. Ví dụ như dê núi 330k 1 đĩa tái chanh (cao hơn nhiều so với ở nhà hàng Chính Thư ở Ninh Bình chỉ 180k), có thể đĩa to nhỏ khác nhau và công vận chuyển.

Nhà hàng Cung Đình thì có chương trình buffet với khách trên 1,3m là 295k, khách từ 1m-1,3m là 200k và khách dưới 1m miễn phí, mở cửa từ 11h-14h hàng ngày. Hiện có mở thêm đồ ăn lẻ theo menu vào t2-t6 và combo suất ăn vào cuối tuần.

Khu chợ quê thì mọi người sẽ mua phiếu như thời bao cấp trước, xong mới cầm phiếu đi mua đồ ở các quầy hàng. Có rất nhiều món ăn dân dã như bánh xèo, phở, bánh cuốn, chè,..

 

một góc chợ quê thiên đường bảo sơn

Một góc chợ quê tại Thiên đường Bảo Sơn (Nguồn: FB Tin Nguyễn)

 

Giá cả cũng không rẻ lắm và đồ ăn như mọi người review thì cũng ổn, không quá ngon cũng không quá chán. Ví dụ như bún thang khoảng 55k 1 bát, phở gà 50k 1 bát, xôi gà 35k 1 xuất.

 

bảng giá chợ quê ở thiên đường bảo sơn

Bảng giá chợ quê tại Thiên đường Bảo Sơn (Nguồn: FB Linhh)

 

Bảng giá có thể có sự thay đổi tuỳ vào thời điểm bạn đi tham quan. Nhưng nhiều người review là khá cao như một cái cánh gà mà tận 50k, một suất cơm sườn 85k. Mà ăn ở chợ quê thì không có điều hoà như nhà hàng.

Note: theo quy định thì vào khu vui chơi không được mang đồ ăn, nhưng cha mẹ có thể cất trong balo ít sữa, bánh mỳ, xúc xích ăn liền, snack cho bé và che bằng quần áo. Nếu đông bảo vệ cũng không kiểm tra hết được. Nước được mang vào. Khi vui chơi rất mệt, bé có thể cần bổ sung luôn mà đồ ăn thì giá khá cao.  

Chơi gì ở Thiên đường Bảo Sơn?

Thiên đường Bảo Sơn có tổng diện tích 25,000m2 nên rất rộng, nhiều điểm tham quan và vui chơi.

 

sơ đồ công viên thiên đường bảo sơn

Sơ đồ công viên Thiên đường Bảo Sơn (Nguồn: Website Thiên đường Bảo Sơn)

 

Vào Thiên đường Bảo Sơn, với gia đình sẽ thích nhất là Thuỷ cung, công viên nước (mở trong mùa hè), vườn thú Safari và khu Kids Town.  

Tuy nhiên, để chuẩn bị cho đợt nghỉ lễ 30/4-1/5 này thì còn khá nhiều điểm đang sửa chữa, bảo dưỡng. Riêng Thuỷ cung thì đã hoàn thiện và mở cửa đón khách được rồi.

 

một góc thuỷ cung trong thiên đường bảo sơn

Một góc thuỷ cung trong Thiên đường Bảo Sơn (Nguồn: FB Ngọc Hân)

 

Thuỷ cung là nơi hầu hết các gia đình tới đều check-in.

 

check in tại thuỷ cung thiên đường bảo sơn

Check-in tại Thuỷ cung, Thiên đường Bảo Sơn (Nguồn: FB Chuyện của Hà Nội)

 

Tuy nhiên, các bậc thang trong lối vào Thuỷ cung khá dốc, trơn và hơi tối nên mọi người có con nhỏ cần hết sức cẩn thận. Nếu vào dịp lễ quá đông đúc thì các bé sẽ có cảm giác khá “ngợp” và bí. Bên trong Thuỷ cung cũng có bàn ghế để ngồi khi gia đình mỏi chân.

 

bậc thang đi trong thuỷ cung thiên đường bảo sơn

Bậc thang đi trong Thuỷ cung (Nguồn: FB Nguyen Hang)

 

Một điểm yêu thích của các bạn nhỏ là Kids Town. Với các bé nhỏ, cha mẹ có thể cho bé vào khu vui chơi, rồi tiện nghỉ ngơi luôn cho mát.

 

một góc khu kids town

Một góc khu Kids Town (Nguồn: FB Đặng Hồng Hạnh)

 

Kids Town nằm trong giá vé rồi, kể cả ngày thường, với hơn 13 trò chơi liên hoàn cho trẻ dưới 1,5m như khu sasuke, nhà bóng, cầu trượt, .. Trẻ em được yêu cầu mang tất chống trượt, nếu chưa có thì mua ở cổng vào là 15k 1 đôi.

Một điểm tham quan khác cho các bạn nhỏ là vườn thú Safari, hiện đã hoàn thiện và nhiều con thú hơn, như voi, tê giác, khỉ, lạc đà, hổ, hươu cao cổ, và các loài bò sát. Có thể mua set cà rốt, lá cây giá khoảng 2-5k để bé cho bạn hươu cao cổ ăn.

 

một góc khu sở thú thiên đường bảo sơn

Một góc khu sở thú Safari tại Thiên đường Bảo Sơn (Nguồn: FB Hương Ly)

 

Mọi người có thể ngồi trên thuyền với trò Vượt long môn để trải nghiệm cảm giác ngắm các con thú khá đặc biệt.

 

đi thuyền ngắm hưu cao cổ ở thiên đường bảo sơn

Đi thuyền ngắm hươu cao cổ (Nguồn: FB Thiên đường Bảo Sơn)

 

Ngoài ra, các hoạt động xem múa rối và xem xiếc cũng được nhiều bạn nhỏ yêu thích nên ba mẹ đừng bỏ lỡ.

 

xem múa rối nước ở thiên đường bảo sơn

Xem múa rối tại Thiên đường Bảo Sơn (Nguồn: FB Ngọc AnG)

 

Nếu không vào chủ nhật hoặc ngày lễ thì cần mua vé riêng (20-30k 1 lượt). Hình ảnh rối nước, có phun lửa,.. khiến nhiều người thực sự thích và các bạn nhỏ được khám phá thêm một loại hình văn hoá nghệ thuật của dân tộc.

 

xem xiếc hải cẩu ở thiên đường bảo sơn

Xem xiếc hải cẩu tại Thiên đường Bảo Sơn (Nguồn: FB Ngọc AnG)

 

Xiếc nằm trong giá vé nên cha mẹ cũng nhớ để ý thời gian để cho con xem. Có hai lần biểu diễn xiếc vào sáng (từ 10h) và chiều (từ 14h30). Địa điểm biểu diễn xiếc nằm ở nhà biểu diễn xiếc, gần vườn thú Safari.

Các trò chơi cảm giác mạnh chỉ thực sự phù hợp với người lớn và các bạn nhỏ lớn, ví dụ như Thuyền cướp biển, ngồi lên thuyền sẽ đu đưa như đưa võng. Trẻ con lại tỏ ra khá thích thú và lặp lại 5 lần. Khủng long trỗi dậy là trò quăng lắc nên nhiều người đi xong cảm thấy buồn nôn. Ở Safari có trò chơi Vượt long môn được rất nhiều bạn nhỏ yêu thích. Các bạn sẽ được đi thuyền ngắm thú và đoạn cuối có cảm giác mạnh một chút, vượt thác cao 16m, nhưng hầu như bạn nào cũng thấy thích.

 

giải nghiệm cảm giác mạnh tại thiên đường bảo sơn

Trải nghiệm cảm giác mạnh và “ướt át” với trò chơi Vượt long môn tại Khu Safari (Nguồn: FB Thiên đường Bảo Sơn)

 

Một số trò chơi khác nhiều bé nhỏ và gia đình cũng thích, thích nhất là đi theo đoàn đông là trò xe điện đụng.

 

xe điện đụng tại công viên thiên đường bảo sơn

Xe điện đụng tại công viên Thiên đường Bảo Sơn (Nguồn: Facebook)

 

Nếu ngày quá đông người đi thì xếp hàng chơi xe điện đụng cũng khá mệt và vì đông quá nên nhiều người lạ, khiến mọi người ngại không đâm vào nhau, chủ yếu là tránh nhau.

Ngoài ra, trong Thiên đường Bảo Sơn có nhiều điểm tham quan như Khu phố Cổ, khu làng nghề và các điểm check-in nhân tạo. Khu làng nghề ví dụ như làng tranh Đông Hồ, làng lụa Hà Đông, làng đá quý Lục Yên,… Mọi người có thể cho bé trải nghiệm các sản phẩm độc đáo của từng làng nghề và đi dạo trong khuôn viên.

 

một góc trong khu phố cổ thiên đường bảo sơn

Một góc trong khu phố cổ (Nguồn: FB Thiên đường Bảo Sơn)

 

Rất nhiều góc sống ảo trong Thiên đường Bảo Sơn, như khu phim trường Dream land, các bức tượng thú nhân tạo,..

Gần đây nhất, tại khu vui chơi có thêm phòng xem phim bay và khu vực nông trại. Nông trại thì chưa mở, đến dịp lễ 30/4-1/5 sẽ mở cho du khách tham quan, lúc đó Haysiri sẽ có cập nhật sau. Công viên nước cũng dự kiến tới dịp lễ này sẽ mở.

Xem phim bay hợp lý nhất là đi vào chủ nhật vì sẽ được tính trong giá vé luôn, còn đi thứ 7 giá vé là 150k nếu đã mua vé vào cổng hoặc 300k nếu không mua vé vào cổng. Phim chiếu lúc 10h, 11h, 14h và 15h30.

 

trải nghiệm phim bay ở thiên đường bảo sơn

Trải nghiệm phim bay tại Thiên đường Bảo Sơn (Nguồn: FB Thiên đường Bảo Sơn)

 

Nếu thực sự tất cả các điểm du lịch và trò chơi trong Thiên đường Bảo Sơn đều đã bảo trì hết và mở cho khách tham quan thì đó sẽ là một trải nghiệm khá hấp dẫn cho cả gia đình.

Một số lời khuyên của các gia đình đã đi:

  • Để có thể thực sự chơi hết các trò chơi tại Thiên đường Bảo Sơn nếu mua vé trọn gói thì các bé lớn, khoảng từ 9-10 tuổi sẽ ổn hơn. Các bé quá nhỏ, dưới 3 tuổi thì đi không có quá nhiều trò chơi và không gian công viên rất rộng sẽ khiến bé và bố mẹ cảm thấy mệt.
  • Nên mang theo xe đẩy với các bé nhỏ nếu chỉ đi ngắm thuỷ cung, chụp ảnh sống ảo,.. kể cả khu thuỷ cung cũng có đường cho xe đẩy.
  • Nếu nhà có trẻ con sợ nắng, sợ mệt và ngại đi bộ thì trải nghiệm khu vui chơi sẽ không thực sự thoải mái và vui vẻ. Ngày thường thì nhiều trò chơi bị đóng, khu ăn chơi không mở và cũng không có các hoạt động, sự kiện như carnival,.. Nhưng ngày lễ, cuối tuần thì lại rất đông, phải xếp hàng chơi các trò chơi cũng khiến mọi người cảm thấy mệt mỏi.
  • Nên mang nước, sữa cho bé vì đi chơi nhiều trò chơi và đi bộ lâu khá mệt.
  • Nên cho bé vào chơi ở Kids Town khi sắp về hoặc giờ trưa (nếu không thuê homestay) để tránh nắng nóng và bố mẹ được nghỉ ngơi.

Gợi ý lịch trình cho cả gia đình

Dưới đây là lịch trình tham quan Thiên đường Bảo Sơn, mọi người có thể tham khảo:

Nên đi buổi sáng cho mát, 8h tới nơi, nếu đi xe riêng thì gửi bên kia đường. Vé gửi ô tô khoảng 50k.

Bé nhỏ khoảng 1m thì cũng không cần mua vé, báo bé 90cm là được. Nhiều khi đi qua cổng, bảo vệ cũng không kiểm soát quá kỹ.

 

cổng chào thiên đường bảo sơn

Cổng chào Thiên đường Bảo Sơn (Nguồn: Facebook)

 

+ 8h tới mua vé, đón tàu hoả đi vòng quanh khu vui chơi

+ Tham quan làng nghề

+ Giải trí với carnival (nếu có), tham gia các trò chơi ngoài trời, cảm giác mạnh vì trời còn mát

+ Có thể xem dân ca và nhạc cổ truyền trong làng nghề (đình làng) lúc 9h-9h30

+ Tham gia các trò chơi cho trẻ như đu quay, xe điện đụng hoặc nhà ma (ở đây có mái che nên không sợ nắng)

+ Tầm 10h có thể xem phim bay ở khu vực làng nghề 

+ Tầm 11h qua xem múa rối nước (11h-11h30)

+ Xem xong thì nghỉ ngơi, ăn trưa.

+ Ăn xong nếu trời vẫn còn nóng thì về homestay/khách sạn nghỉ hoặc vào Kids Town cho mát mẻ. Trẻ con vẫn tiếp tục chơi, người lớn thì nghỉ ngơi, ở cửa có máy massage để ngồi nghỉ.

+ Nếu ở homestay hoặc ăn ở nhà hàng hobby có thể qua luôn phim trường để check-in.

+ Sau đó ra thuỷ cung chơi (trời nắng thì qua thuỷ cung là hợp lý vì mát mẻ, có mái che)

+ Tiếp tới 14h30 thì đi xem xiếc

+ Xem xong gần đó quay ra vườn thú Safari luôn

+ Rồi tới khu phổ cổ có nhiều góc rất chill

+ Đi chơi công viên nước (đừng chơi quá muộn nước có thể hơi lạnh)

+ Tắm xong còn thời gian có thể dạo chơi ở nông trại vui vẻ và các điểm check-in tại khu vui chơi. Có bể cho người lớn và bể cho trẻ em. Có phòng tắm tráng. Tủ đồ thuê khoá 5k và cọc 50k.

Lịch trình gợi ý một ngày vui chơi ở Thiên đường Bảo Sơn (Nguồn: Haysiri)

 

Lịch trình bên trên chỉ mang tính chất tham khảo vì thực tế còn dựa vào sức khoẻ của con. Nếu con mệt thì cha mẹ có thể bỏ một vài mục. Và dựa vào thời tiết, nắng, mưa hay đẹp trời. Vì thế, khi đi thực tế, gia đình có thể điều chỉnh cho hợp lý.

Kết thúc vào buổi tối, mọi người cho bé về luôn hoặc qua Aeon Mall Hà Đông để ăn uống, mua sắm.

Review điểm cộng và điểm trừ về khu vui chơi Thiên đường Bảo Sơn

Điểm cộng

+ Nếu vào cuối tuần với giá vé 320k người lớn và 270k từ 1m mà chơi được hết các trò, xem múa rối, xem xiếc, xem phim,… thì cũng không quá đắt. Các bạn nhỏ khoảng từ 8-9 tuổi rất hào hứng khi tham gia hoạt động này. Người lớn có vẻ mệt nhưng thanh niên và trẻ lớn rất thích.

+ Nhiều hoạt động vui chơi, tham quan mới mở như nông trại và phim bay.

Điểm trừ

- Đi cùng với điểm cộng thì nhiều người phàn nàn Thiên đường Bảo Sơn quá nhiều khu vực bảo dưỡng, nhiều trò không được chơi nên không đáng với giá vé cao (đi vào ngày trong tuần) hoặc quá đông đúc, xếp hàng quá lâu, công viên nước nhiều người,.. nên khá mệt mỏi (đi vào ngày lễ hoặc cuối tuần).

- Đồ ăn đắt và không được nhiều lời khen cho lắm.

- Không quá phù hợp cho các bạn nhỏ dưới 3 tuổi nếu muốn chơi hết tất cả các trò và vào ngày cuối tuần hoặc lễ thì quá đông.

- Tuy công viên vẫn tích cực cải thiện, xây sửa lại nhưng nhiều du khách vẫn cảm thấy cơ sở vật chất đã xuống cấp, ít cây xanh nên không gian quá nắng nóng.   

- Như nhiều bạn trải nghiệm thì nhân viên không nhiệt tình.

- Khách sạn, homestay để nghỉ lại khá đắt.

 

TỔNG KẾT, dường như để tối đa hoá lợi nhuận nên công viên chủ yếu sẽ dồn vào đón khách dịp cuối tuần và ngày lễ (những ngày thường không mở nhiều trò chơi, nhiều khu sẽ bảo dưỡng và xem phim bay cũng không mở), dẫn tới việc khách đi ngày thường cảm thấy tẻ nhạt, chủ yếu đi bộ mỏi chân mà khách đi vé trọn gói thì cũng thấy không đáng với giá tiền vì toàn biển người, trò chơi bảo được tham gia hết nhưng phải xếp hàng rất lâu. Khuôn viên rộng nên gia đình sẽ cảm thấy mệt, nhất là người già và trẻ nhỏ dưới 3-4 tuổi. Nhưng nếu học sinh, sinh viên đi theo nhóm, theo trường thì đây là một địa điểm đáng để lưu ý vì với mức giá trọn gói 320k cuối tuần hoặc 390k cho dịp lễ thì có quá nhiều hoạt động để tham gia. Nhất là với các bạn ưa cảm giác mạnh, thích nước, không sợ mệt, không ngại đông, xếp hàng thì đây chính là một địa điểm vui chơi đáng để lưu ý cho ngày nghỉ lễ 30/4-1-5.

 

>> Xem thêm: Chimi Farm 4 tại Nhật Tân, Đông Anh, Hà Nội có thật sự đáng tiền? Tổng hợp các review chân thực mùa dâu năm 2023

 

0like
0 Bình luận
2,086 Đã xem
Share

Tham gia thảo luận

chat
Bạn hãy Đăng nhập để thảo luận

icon mặt cười

Bài viết được quan tâm

Xem thêm >>