Khoa học

09/04/2023

Cây có bị căng thẳng và khóc hay không? Nghiên cứu mới nhất, xuất bản ngày 30/3 từ các nhà khoa học ở Israel

Các loài thực vật cũng “hét lên” nếu bị thiếu nước hoặc bị thương và các nhà khoa học tại đại học Tel-Aviv, Israel có thể thu âm được. Tuy con người không thể nghe thấy, có một số loài động vật như dơi, chuột và bướm đêm, có thể nghe và hiểu được “nỗi lòng” của chúng. Vì vậy, khá là thần kỳ khi trước giờ chúng ta luôn nghĩ chỉ có con người và các loài động vật mới phát ra âm thanh.

Quá trình nghiên cứu về cảm xúc của cây

Thông thường, thực vật có phản ứng với các điều kiện khác nhau (không được tưới nước đầy đủ hoặc không được chăm sóc cẩn thận) bằng cách thay đổi màu sắc lá, mùi hương và cả hình thái. Tuy nhiên, hiện nghiên cứu của Itzhak Khait và đồng nghiệp (2023) là nghiên cứu chính thức đầu tiên về phản ứng âm thanh lan truyền trong không khí của chúng.

 

quá trình nghiên cứu cảm xúc của cây

Quá trình nghiên cứu của Khait và đồng nghiệp (2023) về âm thanh của các loài thực vật (Nguồn: Khait và đồng nghiệp (2023, p. 1328)

 

Cụ thể, các nhà khoa học đã đặt cây thuốc lá và cây cà chua vào trong những chiếc hộp có gắn micro. Điều đặc biệt là những chiếc micro này có thể thu được cả âm thanh của các loài thực vật mà con người không thể nghe thấy. Các thiết bị như này sau đó được áp dụng ra các loài cây khác, ví dụ như chậu xương rồng.

 

thiết bị microphones thu âm từ thực vật

Thiết bị microphones đặc biệt để thu âm từ thực vật dù con người không thể nghe thấy (Nguồn: Marris, 2023)

 

Hơn thế, nhóm nghiên cứu đã phát triển thêm một chương trình máy tính để có thể lọc âm thanh gây nhiễu sóng do gió hay điều hoà và áp dụng trong nhà kính. Ngoài cà chua và cây thuốc, họ cũng thử nghiệm trên lúa mạch, ngô và nho.

Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học

Khait và đồng nghiệp đã rút ra ba kết quả chính:

  • Các loài thực vật phát ra âm thanh siêu âm lan truyền trong không khí khi bị căng thẳng.
  • Âm thanh phát ra nghe như tiếng nổ bỏng ngô, thể hiện tình trạng của chúng.
  • Âm thanh của các loài thực vật có thể được phát hiện và nghiên cứu trong môi trường nhà kính.

Cụ thể, cây cối có thể phát ra tới 35 lần âm thanh một giờ nếu chúng đang bị thiếu nước hoặc mới bị cắt cành. Trong khi đó, ở điều kiện nước được cung cấp đầy đủ và không cành nào bị cắt hoặc chiết, thực vật có vẻ khá im lặng, chỉ thỉnh thoảng phát ra một âm thanh trong một giờ.

Khi hạ âm vực và tua nhanh, âm thanh này giống như tiếng nổ bỏng ngô, không phải tiếng hát hay tiếng gào thét.

Tuy nhiên, con người không thể nghe được âm thanh đó bởi vì chúng là siêu thanh, có tần số khoảng 20-100 kilohertz, tương đương 20,000- 100,000 kHz. Trong khi đó, dải âm thanh con người có thể nghe được chỉ từ 16-20,000 kHz. Các loài vật như dơi, chuột thậm chí có thể nghe được âm thanh với tần số 60,000- 100,000 kHz. Đó là lý do tại sao người bình thường không thể cảm được nỗi lòng của cây cối nhưng một số động vật thì có thể.

Vậy tại sao thực vật có thể phát ra âm thanh? Theo như Khait và đồng nghiệp (2023), tuy cây cối không có thanh quản hay lá phổi, chúng tạo ra âm thanh từ các mạch gỗ và quá trình vận chuyển nước cũng như chất dinh dưỡng từ rễ tới thân và lá. Quá trình này được miêu tả đơn giản cho dễ hình dung như cách một cái ống hút vận hành. Do đó, khi bị thiếu nước, cây trở nên khô hạn và tạo ra tiếng nổ lụp bụp. Song, các nhà khoa học cho rằng vẫn cần thêm các nghiên cứu để có thể hiểu rõ hơn về cách thực vật tạo ra âm thanh.

Áp dụng của nghiên cứu vào thực tiễn

Nghiên cứu này bước đầu có tính thực tiễn và có thể áp dụng trong nông nghiệp đối với cây trồng trong nhà kính. Bằng cách ghi chép lại âm thanh của thực vật, người làm vườn có thể biết được khi nào cây cần nước, từ đó hiểu rõ hơn về khả năng tích trữ nước cũng như hấp thụ nước của từng loài cây khác nhau. Đồng thời, họ cũng có thể biết được kịp thời khi một cây đang bị động vật như chuột, bọ cắn và ăn lá hoặc cành non. Từ đó, mùa màng có thể được bảo vệ tốt hơn và sản lượng hoàn toàn có thể tăng cao.

 

TỔNG KẾT, nghiên cứu mới nhất này trên tạp chí Cell là khởi đầu cho các nghiên cứu để hiểu rõ hơn về thực vật ngoài đặc tính chung của chúng như hình dạng lá, màu sắc, mùi hương và cách chiết cành, ra trái.

 

Tài liệu tham khảo:

Khait, I. và đồng nghiệp (2023) Sounds emitted by plants under stress are airborne and informative. Cell, 186, p. 1328- 1336.

Marris, E. (2023) Stressed plants ‘cry’ — and some animals can probably hear them, Nature, Tham khảo từ https://www.nature.com/articles/d41586-023-00890-9

 

0like
0 Bình luận
347 Đã xem
Share

Tham gia thảo luận

chat
Bạn hãy Đăng nhập để thảo luận

icon mặt cười

Bài viết được quan tâm

Xem thêm >>