Bệnh trẻ em

14/03/2023

Biểu hiện của trẻ chậm nói so với mốc phát triển

Ba mẹ thường khá khó khăn trong việc xác định bé có đang bị chậm nói, có cần sự can thiệp của chuyên gia, bác sĩ không hay đây chỉ là tình huống tạm thời. Chậm nói hay còn gọi là chậm ngôn ngữ phát triển. Thực chất nếu chậm nói đơn thuần chỉ là trẻ bắt đầu nói chậm hơn các bạn cùng trang lứa. Tuy nhiên, nếu để tình trạng này diễn ra quá lâu sẽ không tốt cho tương lai của trẻ vì giai đoạn từ 1-5 tuổi là giai đoạn vàng giúp trẻ tiếp thu kiến thức, kỹ năng cũng như phát triển tư duy mạnh mẽ nhất. Hiểu rõ hơn về biểu hiện của trẻ chậm nói so với mốc phát triển là rất cần thiết giúp ba mẹ xác nhận tình trạng của con và có phương pháp trị liệu từ sớm.

Các dấu hiệu chung chung ở trẻ chậm nói

Theo tờ New York Times và Parents, có một số dấu hiệu nhất định ở trẻ chậm nói mà ba mẹ nào cũng nên chú ý từ sớm.

 

biểu hiện trẻ chậm nói

Bé phát triển bình thường sẽ tương tác với bố mẹ rất tốt (Nguồn: Haysiri)

- Không để ý tới người khác, không phản ứng với âm thanh: Giao tiếp xã hội là bước đầu của sự phát triển ngôn ngữ. Vì thế nếu trẻ không quan tâm tới ba mẹ, ông bà, nhất là không có phản ứng với bất cứ âm thanh, âm nhạc, trò chơi hay sự chuyển động của các đồ chơi, đó có thể là một dấu hiệu của trẻ bị chậm nói.

- Trẻ không bập bẹ, bi bô: Trẻ thường sẽ bập bẹ các âm thanh vô nghĩa từ 4-6 tháng. Nhất là ở giai đoạn 6 tháng tuổi, có em bé sẽ bắt đầu nói được một số phụ âm, nguyên âm cơ bản như “b”, “ê”, “a”. Vì thế nếu ba mẹ phát hiện em bé của mình không bập bẹ, bi bô thì có thể cân nhắc tới việc bé có thể đang bị chậm nói.

- Không phản ứng khi được gọi tên: Một trong các biểu hiện ở trẻ chậm nói là sẽ không phản ứng khi được gọi tên. Từ khoảng 6-12 tháng tuổi, trẻ sẽ nhận ra mọi người đang gọi mình khi nhắc tên hoặc tên ở nhà của mình, ví dụ “Gạo, quay lại nhìn mẹ này!”. Với những em bé không quay lại khi được gọi tên hoặc hoàn toàn không để ý tới ba mẹ, bé có thể đang bị chậm nói.

- Không nói được từ đơn khi đã hơn một tuổi: Từ đầu tiên con nói ra đều vô cùng thiêng liêng và ý nghĩa với ba mẹ. Tuy nhiên ở các bé chậm nói, ba mẹ có thể phải đợi rất lâu để nghe con gọi “ba”, “mẹ” hay “bà”. Nếu thời gian chờ đợi quá dài, ngay cả khi bé hơn 1 tuổi, ba mẹ cần lưu ý và có các biện pháp xử lý kịp thời, như trò chuyện cùng con nhiều hơn, đọc sách cho con nghe.

- Không tạo ra các cử chỉ khi giao tiếp:

Một số em bé trên 12 tháng tuổi sẽ rất thích tạo ra các cử chỉ khi giao tiếp, ví dụ giơ tay chào hay tạm biệt, gật đầu hoặc lắc đầu để thể hiện thái độ đồng ý hay không. Có nhiều các bạn nhỏ cũng không thích biểu lộ thái độ như vậy, nhưng đa phần nếu em bé của mình không có bất cứ hành động nhỏ nào khi giao tiếp, ba mẹ nên suy nghĩ và theo dõi thêm xem bé có đang bị chậm nói không.  

- Không làm theo yêu cầu hay hướng dẫn đơn giản từ bố mẹ: Ở độ tuổi khoảng 18 tháng tuổi, trẻ em thường sẽ hiểu được lời bố mẹ nói và tuân theo những yêu cầu đơn giản. Ví dụ như “Con đặt búp bê xuống đi”, “Lại đây con”, “Con ạ đi”. Nhưng với các em bé vẫn không phản ứng với các yêu cầu của bố mẹ, có thể các em đang gặp phải tình trạng chậm nói.

- Nói nhại, lười nói với vốn từ quá ít: Theo như chuyên gia Zeit, một nhà nghiên cứu bệnh học về ngôn ngữ tại Trung tâm Y tế Bệnh viện Nhi đồng Cincinnati, Mỹ, tới 2 tuổi, trẻ có thể nói được tới 50 từ. Trẻ bắt đầu khám phá ngôn ngữ và tò mò với chúng từ khoảng 18 tháng tuổi. Tầm 2 tuổi, trẻ có thể nói được các từ ghép, như “Chó to!”, “Nhà đẹp”,.. Ba mẹ để ý con mình nếu vốn từ quá ít so với độ tuổi hoặc chỉ nhại lại lời người khác thì đó có thể là một biểu hiện chậm nói.

- Không bày tỏ suy nghĩ, cảm giác: Trẻ sẽ “tâm sự” với ba mẹ về những mong muốn, suy nghĩ hoặc cảm giác của bản thân khi được khoảng 2 tuổi. Ví dụ “Con nóng”. Theo Zeit, ở độ tuổi này của trẻ, ba mẹ có thể hiểu được khoảng 50% lời nói của chúng. Nếu khi bé đã đủ lớn nhưng ba mẹ vẫn nghe không hiểu bé đang nói gì thì rất có thể bé đang bị chậm nói, chậm ngôn ngữ.

Một số ví dụ của biểu hiện chậm nói so với mốc tuổi

Ba mẹ có thể tham khảo một số ví dụ biểu hiện chậm nói của bé dựa theo độ tuổi dưới đây.

- Trẻ từ 2-6 tháng tuổi:

  • Trẻ không phản ứng với âm thanh, tiếng động mạnh.
  • Tới tầm 6 tháng, trẻ vẫn chưa phát ra âm thanh, như “gừ gừ” hoặc chưa biết tự cười khi được bày trò vui.

- Trẻ 6-12 tháng tuổi:

  • Nếu trẻ vẫn tiếp tục không phản ứng với âm thanh, đó là một dấu hiệu báo động ba mẹ nên đưa bé đi khám càng sớm càng tốt vì có thể không phải biểu hiện chậm nói thông thường mà bé có thể đang gặp vấn đề về khả năng nghe.
  • Trẻ không bập bẹ, vẫn chưa bi bô các phụ âm như “b”, “p” hoặc nói từ đơn như “mẹ”, “bà”.
  • Trẻ không quan tâm tới mọi người xung quanh, không phản ứng khi được gọi tên.
  • Trẻ vẫn nghe không hiểu câu nói đơn giản của ba mẹ như “Có”, “Không”, “Xin chào”, “Tạm biệt”.
  • Trẻ không biết làm các động tác như vẫy tay chào, lắc gật đầu.

- Trẻ 12-24 tháng tuổi:

  • Bé vẫn không bắt chước hành vi, cử chỉ của người khác.
  • Tới khoảng 15 tháng tuổi, bé vẫn không nói các từ hay câu đơn giản như “Có”, “Không”.
  • Bé không thể truyền đạt suy nghĩ hay ý muốn của mình tới ba mẹ, dẫn tới tình huống hay cáu giận, khó chịu.
  • Vốn từ của bé rất ít, không nổi 15 từ khi tới 24 tháng tuổi và chủ yếu bé chỉ nhại lời nói của người khác.

- Trẻ 3 tuổi:

  • Trẻ 3 tuổi nhưng vẫn không biết sử dụng các đại từ nhân xưng như “con”, “ba mẹ”, “bà”.
  • Lời nói của trẻ rất khó hiểu, bé cảm thấy khó khăn khi nói, có thể hay lắp bắp.
  • Trẻ vẫn không thể nói hoàn thiện một câu ngắn ví dụ “Con muốn uống sữa”, “Lấy hộ con”.
  • Trẻ không biết đặt câu hỏi.
  • Trẻ không chơi với các bạn khác, đặc biệt rất bám bố mẹ.

- Trẻ 4 tuổi:

  • Tới 4 tuổi trẻ vẫn chưa biết kể chuyện, chưa nói rõ ràng.
  • Trẻ vẫn chưa gọi tên được màu sắc hoặc các hình ảnh quen thuộc.
  • Trẻ không biết làm theo các yêu cầu phức tạp, nhiều bước, ví dụ “Con đi vào phòng, lấy giúp mẹ cái ví màu xanh ở trên bàn”.

 

ba mẹ cần tương tác với bé nhiều hơn để bé nói

Ba mẹ cần chịu khó tương tác với con nhiều hơn, giảm tình trạng chậm nói (Nguồn: Haysiri)

 

Có nhiều em bé chậm nói đơn thuần thì tầm qua 2 tuổi sẽ có thể bắt kịp các bạn cùng trang lứa. Tuy nhiên, với các biểu hiện trên, ngoài vấn đề chậm nói đơn thuần, ba mẹ cần lưu ý tới các vấn đề bệnh lý như thính giác hoặc tự kỷ.

Nếu lo lắng, ba mẹ nên đưa trẻ tới viện để kịp thời điều trị. Ba mẹ tham khảo “Khám chậm nói cho bé: Review ở bệnh viện nhi Trung Ương (cập nhật 2023)”.

 

>> Xem thêm: Khám tổng quát cho bé: Review thực tế ở viện Nhi Trung Ương (cập nhật 2023)

 

0like
0 Bình luận
391 Đã xem
Share

Tham gia thảo luận

chat
Bạn hãy Đăng nhập để thảo luận

icon mặt cười

Bài viết được quan tâm

Xem thêm >>