Giáo dục

30/04/2023

Tranh cãi về “hình phạt đọc sách” đối với học sinh vi phạm nội quy của trường THPT Bùi Thị Xuân, HCM

Từ đầu tháng 4 năm 2023, trường THPT Bùi Thị Xuân, Hồ Chí Minh, chính thức áp dụng “hình phạt đọc sách” với các học sinh vi phạm nội quy như nhuộm tóc, không bỏ áo trong quần, đi học trễ,.. Chính sách này được thay thế cho các biện pháp kỷ luật cũ như chép phạt, viết bản kiểm điểm và dọn dẹp vệ sinh. Tuy hiện tại các học sinh và phụ huynh trong trường đều đồng tình với cách kỷ luật độc đáo và mới lạ này, vẫn có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc phạt học sinh đọc sách.

Lý do nhân văn của thầy hiệu trưởng trường THPT Bùi Thị Xuân

Khi thay đổi từ việc viết bản kiểm điểm hay lao động công ích sang đọc sách, thầy Huỳnh Thanh Phú, hiệu trưởng trường THPT Bùi Thị Xuân tin rằng các em học sinh thường xuyên vi phạm nội quy có thể tự giác hơn và tự thay đổi hành vi cũng như thói quen chưa tốt của mình. Nhà trường yêu cầu học sinh vi phạm phải lên thư viện chọn một cuốn trong tủ sách “Hạt giống tâm hồn”,  Học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ và Người con hiếu thảo, dành ít nhất 45 phút đọc và sau đó viết review cảm nhận của bản thân, có chữ ký có phụ huynh.

 

các bài review phạt đọc sách

Các bài review sách của học sinh vi phạm được lưu giữ lại (Nguồn: Internet)

 

Trước đó, ở trường Lương Thế Vinh, Hà Nội cũng đã áp dụng biện pháp kỷ luật này. Mục đích là rèn giũa tính cách học sinh và nâng cao văn hoá đọc sách trong trường. Các đầu sách Hạt giống tâm hồn, Học tập theo tấm gương của Bác Hồ và Người con hiếu thảo có thể giúp học sinh bồi dưỡng tình cảm gia đình, giáo dục các em sống yêu thương, hiếu thảo và có ích hơn.

Dường như khi xử phạt học sinh qua việc đọc sách sẽ khiến các biện pháp kỷ luật trở nên “mềm mại và dịu dàng” hơn so với việc viết bản kiểm điểm hay chép phạt. Ngoài ra, thầy hiệu trưởng nhận xét rằng lao động công ích không phải nhiệm vụ của các em nên hình phạt này dần trở nên không hiệu quả.

Rất nhiều học sinh và phụ huynh ủng hộ

Rất nhiều học sinh và phụ huynh không chỉ trong trường Bùi Thị Xuân mà trên cả nước đều ủng hộ biện pháp kỷ luật mới này với nhiều lý do khác nhau. Nhưng tất cả đều tin rằng đây là một hình phạt mang tính tíchcực giúp học sinh sống tốt hơn.

 

hình ảnh một học sinh phạt đọc sách

Hình ảnh một học sinh trường THPT Bùi Thị Xuân bị phạt đọc sách (Nguồn: Internet)

Phạt một cách “tích cực”

Nghe tới hình phạt thì chắc ai cũng thấy sợ, kể cả là người lớn hay trẻ em. Như người lớn cũng sợ bị phạt lương, bị cắt thưởng, học sinh cũng sợ phạt đánh hay thấy xấu hổ khi bị phạt viết bản kiểm điểm hoặc “tuyên dương” trước toàn trường. Vì thế, với cách làm mới này, nhiều người tin rằng trường học đang biến các hình phạt tiêu cực trở nên tích cực hơn. Từ đó, khiến các hình phạt không còn là nỗi sợ hay ám ảnh, dẫn tới học sinh sợ tới trường như trước nữa. Như nhiều phụ huynh thì cảm nhận rằng môi trường giáo dục đang dần trở nên bớt khắt khe và cởi mở yêu thương nhiều hơn.

Phạt một cách “nhân văn”

Hình phạt này được nhiều người đánh giá là nhân văn vì thay vì việc chép phạt hay viết bản kiểm điểm một cách máy móc, đọc sách khiến học sinh mở rộng tri thức và học hỏi được nhiều điều hay ý đẹp hơn. Nhất là trong thời đại công nghệ hiện nay, nhiều học sinh dường như quên đi thói quen đọc sách, thay vào đó là lên mạng đọc báo, chơi game, xem phim hay xem Tiktok. Mà các thông tin trên mạng xã hội thì không được kiểm soát, thông tin độc hại hay tin rác tràn lan. Vì thế, khi đưa ra hình phạt này, chí ít học sinh cũng sẽ được tiếp nhận các kiến thức tốt và có ý nghĩa trong cuộc sống cho dù là tự nguyện hay không.

Phạt cho kết quả tốt

Khi nhà trường cho phép học sinh vi phạm nội quy tự chọn sách để đọc thì bản thân các em đã được lựa các cuốn mình thích, chứ không bị ép buộc. Và kể cả là không tự nguyện, nhiều phụ huynh tin rằng sách có thể truyền cảm hứng và thay đổi học sinh từ một người ghét đọc sách trở nên yêu sách hơn. Nhất là, các tựa sách nhà trường khuyến khích đều dễ đọc, dễ hiểu và nội dung ngắn gọn, có ý nghĩa. Thêm nữa, nhà trường không ép buộc học sinh phải viết cảm nhận dài 2-3 trang mà chỉ cần là một đoạn ngắn cũng được tuỳ vào cảm nhận của từng bạn. Vì thế, các em vừa được tiếp nhận thêm điều hay ý đẹp từ nội dung sách vừa luyện tập viết văn.

Cũng có các ý kiến trái chiều

Tuy thế, có một số ý kiến cho rằng “hình phạt đọc sách” là không nên, không hay và nghe quá nặng nề.

Đọc sách là niềm vui, không phải hình phạt

Nhiều người cho rằng đọc sách nên được khuyến khích và động viên để trở thành một thú vui chứ không phải biến điều đó thành một hình phạt.

 

văn hoá đọc sách cần được nhân rộng

Văn hoá đọc sách nên được nhân rộng (Nguồn: Internet)

 

Do đó, khi áp dụng hình phạt đọc sách, một số phụ huynh lo ngại con mình sẽ trở nên ghét hoặc thậm chí là sợ sách, sợ tới thư viện. Với tình huống này thì kết quả nhận được khi đưa ra quyết định thay đổi biện pháp kỷ luật của trường Bùi Thị Xuân dường như trái với mong muốn ban đầu của các thầy cô. Nhiều người sợ học sinh sẽ hình thành tư tưởng “đọc sách là hình phạt”.

Song, một số khác phản biện rằng ở lứa tuổi cấp 3, các em đã đủ lớn và hình thành tâm lý yêu ghét rõ ràng, nên không thể chỉ vì bị phạt đọc sách mà quay ra ghét sách được.

Hình phạt “nặng” đối với học sinh “dốt văn”

Một số phụ huynh cũng không đồng ý với biện pháp kỷ luật này vì cho rằng nó khá nặng với học sinh dốt văn và ghét đọc sách. Điều này cũng khá đúng vì có nhiều bạn học tốt môn tự nhiên có thể chưa chắc đã học giỏi văn, nên khá ngại viết, nhất là cảm nhận hay review. Đọc sách với nhiều người cũng khá buồn ngủ. Vì thế, đây được coi là hình phạt nặng với học sinh không thích môn văn.  

Viết cảm nhận một cách chống đối

Một số ý kiến khác cho rằng thay vì thực sự đọc sách thì với thời đại công nghệ, học sinh có thể dễ dàng lên mạng tìm kiếm thông tin về review một cuốn sách. Thậm chí, có thể dùng chatGPT để copy lại. Do đó, kết quả nộp về có thể không phải cảm nhận thực sự của học sinh và việc áp dụng hình phạt cũng không đem lại tác dụng như mong muốn.

TỔNG KẾT, tuy còn nhiều ý kiến trái chiều, nhưng thực sự không thể có biện pháp nào hoàn hảo 100% được cả. Vì thế, hiện nay, việc áp dụng biện pháp kỷ luật đọc sách đối với học sinh vi phạm kỷ luật tại trường cấp 3 thực sự khá hay và nên được nhân rộng. Tuy nhiên, không nên sử dụng ở các trường tiểu học, khi trẻ mới hình thành tâm lý yêu ghét vì có thể phản tác dụng. Ở lứa tuổi đó, trẻ nên được nuôi dưỡng tình yêu với sách thay vì cảm thấy đọc sách là một hình phạt.

 

>> Xem thêm: 5 trang web học online miễn phí cho trẻ em mẫu giáo lớn tới học sinh cấp 3

 

0like
0 Bình luận
180 Đã xem
Share

Tham gia thảo luận

chat
Bạn hãy Đăng nhập để thảo luận

icon mặt cười

Bài viết được quan tâm

Xem thêm >>