Bệnh tim mạch

21/02/2023

Ngừng tuần hoàn là gì và cách xử trí cấp cứu tại chỗ

Ngừng tuần hoàn là một biến cố trầm trọng, với tỷ lệ tử vong cao. Số liệu thống kê tại Hoa Kỳ, ngừng tuần hoàn xảy ra ngoài bệnh viện có tỉ lệ tử vong trên 90%. Trong số bệnh nhân tim đập trở lại chỉ có 45% số ca sống sót. Trong số bệnh nhân sống sót chỉ có 30% ra viện.

 

ngừng tuần hoàn là gì

Ngừng tuần hoàn và cách xử trí cấp cứu tại chỗ 

1. Ngừng tuần hoàn là gì

Tình trạng tim ngừng bơm máu khiến máu không thể lưu thông đến các bộ phận khác của cơ thể được gọi là tình trạng ngừng tuần hoàn. Đây là vấn đề nguy hiểm và có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng hoặc có thể để lại những di chứng, tổn thương nghiêm trọng và vĩnh viễn nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời.

Cấp cứu ngừng tuần hoàn cơ bản hay hồi sinh tim phổi phải được bắt đầu ngay lập tức khi phát hiện bệnh nhân ngừng tuần hoàn. Do khoảng thời gian từ gọi cấp cứu tới khi đội cấp cứu có mặt thường mất 5 phút nên khả năng bệnh nhân được cứu sống hay không phụ thuộc rất nhiều vào xử lý cấp cứu tại chỗ.

2. Chẩn đoán ngừng tuần hoàn 

- Chẩn đoán xác định: dựa vào 3 dấu hiệu chính là: mất ý thức đột ngột, ngừng thở, mất mạch cảnh. 

- Chẩn đoán phân biệt:

  • Cần phân biệt giữa vô tâm thu với rung thất sóng nhỏ bằng điện tâm đồ ít nhất trên hai chuyển đạo.
  • Cần phân biệt giữa phân ly điện cơ với tình trạng shock, truỵ mạch bằng bắt mạch ở ít nhất hai vị trí theo quy ước.
  • Phân biệt mất mạch cảnh, mạch bẹn do tắc mạch bằng bắt mạch ở ít nhất hai vị trí trở lên.

- Chẩn đoán nguyên nhân: bên cạnh việc cấp cứu hồi sinh tim phổi cơ bản, ta cần nhanh chóng tìm hiểu rõ nguyên nhân gây ngừng tuần hoàn để cấp cứu có hiệu quả và ngăn ngừa được ngừng tuần hoàn tái phát. Một số nguyên nhân thường gặp như sau: nhồi máu cơ tim, giảm thể tích tuần hoàn, thiếu oxy nặng, toan hoá máu, tăng/hạ kali máu, hạ đường máu, giảm thân nhiệt, ngộ độc cấp, ép tim cấp, tràn khí màng phổi, tắc mạch phổi, chấn thương…

3. Xử trí cấp cứu bệnh nhân ngừng tuần hoàn

- Cấp cứu ngừng tuần hoàn cần được tiến hành ngay khi phát hiện trường hợp nghi ngờ ngừng tuần hoàn. Người cấp cứu phải ngay lập tức tiến hành chẩn đoán, gọi người hỗ trợ, và bắt đầu các biện pháp hồi sinh tim phổi cơ bản.

- Cần có một người trong nhóm cấp cứu làm nhiệm vụ chỉ huy để phân công và tổ chức công tác cấp cứu cho đúng trình tự và đồng bộ.

- Cần song song ghi chép các thông tin cần thiết về ca cấp cứu cũng như tiến trình cấp cứu

- Thiết lập không gian cấp cứu đủ rộng và thoáng mát, hạn chế tối đa sự có mặt của những người không tham gia cấp cứu để tránh cản trở công tác cấp cứu.

 

- Các bước xử lý cấp cứu hồi sinh tim phổi cơ bản

  • Đặt bệnh nhân nằm ngửa đầu, cổ ưỡn, làm thủ thuật kéo hàm dưới, nâng cằm để khai thông đường thở. 
  • Cần đặt nội khí quản càng sớm càng tốt, nhưng không được làm chậm shock điện và không làm gián đoạn ép tim/ thổi ngạt quá 30s.
  • Nếu bệnh nhân không thở: thổi ngạt hoặc bóp bóng 2 lần liên tiếp, sau đó kiểm tra mạch. Nếu có mạch thì tiếp tục thổi ngạt hoặc bóp bóng. Nếu không có mạch thì thực hiện chu kỳ ép tim/ thổi ngạt theo tỉ lệ 30/2
  • Khi đưa khí vào phổi bệnh nhân trong 1 giây, đủ làm lồng ngực phồng lên nhìn thấy được với tần số nhịp thổi ngạt/ bóp bóng là 10-12 lần/ phút đối với người lớn, 12-20 lần/ phút đối với trẻ nhỏ.
  • Ngay sau khi có đường thở nhân tạo, tần số bóp bóng 8-10 lần/ phút và ép tim là 80-100 lần/ phút.
  • Nối oxy với đường thở ngay khi có oxy

 

- Điều trị sau khi hồi sinh tim phổi cơ bản:

  • Nếu tụt huyết áp: truyền dịch, dopamine, adrenaline
  • Thuốc chống loạn nhịp tái phát trong rung thất, nhịp nhanh thất gây ngừng tuần hoàn: xylocaine, admiodarone truyền tĩnh mạch.
  • Đặt máy tạo nhịp dự phòng nếu có nguy cơ nhịp chậm.
  • Điều trị nguyên nhân gây ngừng tuần hoàn 

4. Xử lý cấp cứu tuần hoàn cho người chưa được đào tạo

Nếu chưa từng được đào tạo về cấp cứu, bạn có thể chỉ ép ngực mà không cần thổi ngạt cho tới khi có người trợ giúp tới.

Kiểm tra xem nạn nhân còn tỉnh hay không?

+) Nhẹ nhàng vỗ vào vai, gọi lớn nạn nhân.

+) Nếu nạn nhân không đáp ứng với kích thích đó thì chuyển sang bước 2.

Khai thông đường thở: Dùng một tay nhẹ nhàng ngửa đầu nạn nhân lên. Tay còn lại nâng hàm. 

Kiểm tra xem nạn nhân còn thở không:

+) Nhìn sự di động của lồng ngực, nghe tiếng thở, cảm nhận hơi thở của nạn nhân trong vòng 10 giây. Nếu không có nhịp thở nào hoặc nạn nhân thở ngáp, hãy chuyển qua bước tiếp theo.

+) Quỳ xuống bên cạnh và ngang ngực nạn nhân. Đặt một tay lên chính giữa ngực. Đặt tay còn lại chồng lên.

Tiến hành ép ngực:

+) Đảm bảo rằng vai – khuỷu tay – bàn tay của bạn nằm trên một đường thẳng.

+) Ấn trực tiếp lên xương ức. Đảm bảo độ sâu 5 – 6 cm.

+) Sau mỗi lần nhấn, hãy để lồng ngực nạn nhân được nở ra hoàn toàn.

+) Nhấn ngực với tần số 100 – 120 lần/phút cho tới khi có người trợ giúp tới hoặc khi nạn nhân có đáp ứng như ho, chớp mắt.

Trên đây là những thông tin về ngừng tuần hoàn và các bước cấp cứu cơ bản là nền tảng để cứu sống nạn nhân sau khi bị ngưng tim. Hành động này được thực hiện bởi người phát hiện đầu tiên bằng những động tác đơn giản nhất, không sử dụng hay chờ đợi các phương tiện khác ngoài đôi bàn tay và có thể giúp giữ được tính mạng cho nạn nhân ngưng tim.

 

1like
0 Bình luận
258 Đã xem
Share

Tham gia thảo luận

chat
Bạn hãy Đăng nhập để thảo luận

icon mặt cười

Bài viết được quan tâm

Xem thêm >>