Thế giới
04/05/2023
Trong phần trước về Cuộc sống ở thủ đô Bình Nhưỡng, mọi người có thể thấy Triều Tiên không quá ồn ào và đông đúc với đủ các phương tiện như ở Hà Nội- thủ đô của Việt Nam. Chỉ có tình trạng đông người trên xe buýt hay tàu điện ngầm, còn vấn đề tắc đường dường như không có. Nếu thủ đô đã có sự khác biệt nhiều như thế, hẳn cuộc sống ở nông thôn sẽ còn nhiều điều hấp dẫn người đọc.
Rời khỏi thủ đô, du khách không còn thấy các toà nhà hùng vĩ nữa, thay vào đó là các bức tượng bằng đồng to lớn của cố lãnh đạo Kim il-sung và những cánh đồng lúa và ngô xanh mướt trải dài dọc các con đường cho tới đỉnh núi theo đường chân trời.
Vùng nông thôn của Triều Tiên xanh mướt như một minh chứng cho lối sống dân dã ở đây. Hầu như không có ô tô trên các con đường trong nông thôn, chỉ có xe đạp và máy cày.
Phương tiện chính trên các con đường nông thôn của Triều Tiên (Nguồn: Michael Turtle)
Đối với các khách du lịch phương Tây như Michael Turtle thì cuộc sống nông thôn nơi đây dường như mang màu sắc của những thập kỷ trước, nghèo nàn và lao động chân tay vất vả. Cũng khá giống với thời bao cấp ở Việt Nam. Trên các cánh đồng treo băng rôn trắng in chữ đỏ mang thông điệp từ lãnh đạo Kim Jong-il truyền cảm hứng cho người dân lao động hăng say hơn vì Tổ quốc.
Khẩu hiệu in chữ đỏ trên các cánh đồng ở Triều Tiên (Nguồn: Michael Turtle)
Khoảng 37% dân số Triều Tiên làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp và sử dụng các công cụ thô sơ để cày cấy.
Hai nông dân cày cấy thô sơ trên một cánh đồng ngô ở Sangwon, Triều Tiên, gần thủ đô Bình Nhưỡng, chụp năm 2017 (Nguồn: Tờ Insider)
Đặc biệt, người dân ở đây bị kiểm soát chặt chẽ khi lưu thông, kể cả từ vùng này tới vùng khác. Có các trạm kiểm tra quân sự dọc các ngả đường để ngăn cấm người dân rời khỏi địa phương mà không có sự cho phép.
Các căn nhà của vùng nông thôn ở Triều Tiên nằm sát nhau, xây dựng bằng bê tông và là các nhà gian không có tầng.
Các căn nhà ở vùng nông thôn của Triều Tiên (Nguồn: Michael Turtle)
Nhiều căn nhà đang trong tình trạng xây dựng và hầu hết đều không sơn.
Một căn nhà ở nông thôn Triều Tiên (Nguồn: Michael Turtle)
Người dân ở đây có vẻ ít tụ tập với nhau. Ô tô hầu như không thấy trên các con đường. Họ chủ yếu đi bộ trên vỉa hè một cách tách biệt. Chỉ có học sinh là đi thành các nhóm nhỏ. Quân nhân hay đi tuần tra khắp các nẻo đường.
Trang phục của người dân ở nông thôn khá là đơn giản, thùng thình và không có nhiều màu sắc. Cũng giống như trong một bài phỏng vấn về bộ phim Hạ cánh nơi anh, một số phụ nữ Triều Tiên đào tẩu xác nhận con gái ở đây, kể cả nhà giàu, đều không ăn mặc sành điệu như bên Hàn Quốc với áo măng tô, hay boost cao. Ngoài ra, phụ nữ Triều Tiên thường không để xoã tóc vì họ cho rằng đó là phong cách của chủ nghĩa tư bản.
Hai em học sinh trên đường về nhà (Nguồn: Michael Turtle)
Một điều mà các khách du lịch thường thấy ở Triều Tiên sau khi tới vùng nông thôn là đa số mọi người đều hơi gầy. Thực tế, đất nước này đang phải chịu tình trạng thiếu lương thực, nhất là sau đợt dịch Covid-19. Vấn nạn này không hiếm gặp ở Triều Tiên. Trong khoảng những năm 1990, một nạn đói thảm khốc và kéo dài xảy ra đã khiến ít nhất 600,000 người chết. Theo như các nhà phân tích kinh tế trên thế giới, nguyên nhân chính là do hệ thống chính trị độc tài tại Triều Tiên khiến nhiều doanh nghiệp tư nhân không thể phát triển. Ngoài ra, đất đai tại đây không quá màu mỡ và thuận lợi để nâng cao năng suất nông nghiệp. Các biện pháp tiên tiến trong trồng trọt và phân bón cũng hạn chế ở quốc gia này.
Cách bón phân truyền thống bằng tay của nông dân Triều Tiên (Nguồn: Tờ Jazeera)
Khi dịch bệnh Covid-19 bùng nổ, ngay lập tức Triều Tiên áp dụng chính sách cô lập, hạn chế di chuyển trong và ngoài nước cũng như đóng cửa thương mại. Cùng với điều kiện thời tiết không thuận lợi và sự phân bổ nguồn lực ưu tiên cho vũ khí và các biện pháp trừng phạt quốc tế, Triều Tiên dường như đang trải qua một khoảng thời gian thiếu thốn lương thực.
Đặc biệt, có sự phân biệt giàu nghèo giữa khu vực thành phố và nông thôn ở Triều Tiên. Lương thực chủ yếu được chuyển tới Bình Nhưỡng và người có tiền có thể mua được để chuẩn bị một ngày ba bữa cơm. Trong khi đó, nông dân nghèo bắt buộc phải sống dựa vào những gì họ trồng trọt được, có thể chỉ là một bát cháo loãng hoặc nhiều hơn tuỳ thuộc vào việc thu hoạch. Tuy thế, thức ăn chính ở Triều Tiên được ghi nhận là cơm và rau. Các loại thịt tươi hay trái cây không quá phổ biến trong các bữa ăn.
Một cửa hàng nhỏ bán nước ngọt và đồ ăn vặt ở Triều Tiên (Nguồn: Tờ Jazeera)
Du khách như Michael Turtle tiếp đó đã dừng lại ở một nhà máy nhỏ sản xuất các loại chai thuỷ tinh. Công nhân chủ yếu là phái nữ và họ làm việc vô cùng chăm chỉ, sạch sẽ và chu đáo. Tuy nhiên, công việc hầu hết làm thủ công và rất ít máy móc được cung cấp để hỗ trợ quá trình tự động hoá.
Một công nhân nữ trong một nhà máy nhỏ ở Triều Tiên (Nguồn: Michael Turtle)
Tương tự, một nhà máy dệt may ở Triều Tiên có khoảng 1,600 công nhân và hầu hết là nữ. Nhà máy đóng giày ở đây cũng thế. Đặc biệt, công nhân rất tôn trọng và dành sự tin tưởng tuyệt đối cho vị lãnh đạo của họ, Kim Jong un, người đã hướng dẫn họ cách làm giày dựa trên kinh nghiệm của các nước khác trên thế giới.
Một công nhân của nhà máy đóng giày ở Triều Tiên (Nguồn: Tờ Insider)
Tất nhiên, với những người Triều Tiên đào thoát, quê hương của họ có quá nhiều điều khiến họ muốn bỏ trốn và tìm tới miền đất hứa nào đó. Người dân Triều Tiên, nhất là nông thôn được miêu tả như những chú kiến cần mẫn làm việc ngày qua ngày nhưng vẫn không đủ ăn, phải tìm kiếm đồ ăn thừa và sợ hãi bị trừng phạt bởi Chính phủ nếu đi qua ranh giới hoặc đưa ra các câu hỏi về tình hình hiện tại. Vì thế, khi xem hình ảnh về một đất nước Hàn Quốc đông đúc, nhộn nhịp và được di chuyển khắp nơi trên thế giới, rất nhiều người dân Triều Tiên bắt đầu mơ ước về nơi này và tìm mọi cách chạy trốn khỏi quê nhà.
Với khách du lịch, họ chỉ được hướng dẫn viên đưa tới các địa điểm đã được chuẩn bị sẵn trong danh sách mà nhà nước cho phép. Vì thế, có lẽ còn rất nhiều sự thật về đất nước này mà Michael Turtle chưa thấy được. Tuy nhiên, khi trải nghiệm và nhìn ngắm con người ở đây, nhà báo này cảm thấy họ không thật sự vui vẻ hay hài lòng với cuộc sống mình đang có. Rất hiếm khi thấy họ cười to hay chia sẻ niềm vui với bạn bè hoặc người thân như ở các quốc gia khác. Có thể đó là nguyên tắc về văn hoá mà họ được yêu cầu ngay từ khi mới sinh ra. Nhưng cũng có thể họ đang chấp nhận một cuộc sống đơn điệu và lặp đi lặp lại hàng ngày của mình.
Một số người dân Triều Tiên đang làm công việc thường ngày của mình (Nguồn: Michael Turtle)
Tuy nhiên, hầu như những người dân Triều Tiên đều rất niềm nở và lịch sự với khách du lịch. Họ luôn vui vẻ và vẫy tay chào khi các du khách đi qua.
Trong một số sự kiện hiếm có như cuộc thi thể thao hoặc hội chợ, người dân dường như có một khoảng thời gian thư giãn và thực sự tận hưởng cuộc sống. Nụ cười trên môi họ rạng rỡ thay thế cho nụ cười công nghiệp xã giao.
Nụ cười rạng rỡ của người dân Triều Tiên trong một cuộc thi thể thao (Nguồn: Michael Turtle)
Một sự kiện lớn ở Triều Tiên là ngày Quốc Khánh. Mọi người ca hát, nhảy múa và vui chơi trong công viên. Đồ uống có cồn cũng được cung cấp cho người dân mặc dù hạn chế. Đặc biệt, tới cuối ngày, một đám đông hàng có hàng nghìn người tụ tập lại và bắt đầu nhảy múa trong trang phục truyền thống.
Ngày lễ Quốc Khánh ở Triều Tiên (Nguồn: Michael Turtle)
Tuy khách du lịch rất hào hứng với sự kiện này, thực tế họ bị hạn chế nói chuyện với người dân địa phương. Triều Tiên kiểm soát thông tin về các quốc gia khác với cư dân của mình. Mạng xã hội ở đây không được kết nối với thế giới.
Thực tế người dân có thể được phép kết nối với mạng nội bộ Kwangmyong nhưng kết nối với thế giới bị hạn chế rất nhiều. Apple, Sony và Microsoft không được phép phân phối các thiết bị điện tử của hãng ở Triều Tiên. Năm 2016, chính phủ nước này bắt đầu cấm Facebook, YouTube, Twitter và các trang mạng của Hàn Quốc với lý do lo ngại về việc lan truyền của các thông tin trực tuyến không xác thực.
Dù Triều Tiên vẫn cố gắng phủ nhận thông tin về việc thiếu thốn lương thực của mình, các bằng chứng vẫn cho thấy sau đại dịch Covid-19, một phần lớn dân số của quốc gia này vẫn đang phải chịu cái đói cho dù đã cố gắng nỗ lực làm việc ngày qua ngày. Việc sống dựa vào nông nghiệp thô sơ và không được tiếp cận thông tin bên ngoài có lẽ khác biệt rất lớn với tình trạng người dân ở các nước khác, kể cả nông dân Việt Nam. Vậy du lịch tới Triều Tiên có khả thi và an toàn hay không?
>> Mời quý bạn đọc theo dõi tiếp phần 3 về: Du lịch Triều Tiên.