Thế giới
04/05/2023
Triều Tiên là thành phố bí ẩn nhất trên thế giới với những “lời đồn” về cuộc sống khó khăn, không có điện và Internet ở đây. Bộ phim “Hạ cánh nơi anh” sau khi lên sóng đã phần nào khiến người xem mường tượng về một cuộc sống có vẻ “lạc hậu” ở vùng nông thôn Triều Tiên. Vậy thực tế đất nước này có như những lời đồn và hình ảnh trong phim không? Cùng khám phá qua các bức ảnh chụp bởi khách du lịch và tâm sự của một số người đào tẩu Triều Tiên sang Hàn Quốc.
Theo lời kể của một số người đào tẩu Triều Tiên, trong khi người Hàn Quốc được tự do thể hiện tình yêu với nhau, nữ giới Triều Tiên chỉ có thể nói lời yêu với vị lãnh đạo Kim Jong Un và bố của ông ấy.
Show truyền hình “Now On My Way to Meet You” tạo bối cảnh như ở Triều Tiên (Nguồn: Tờ ABC News)
Ngoài ra, khi ở Triều Tiên, họ được tuyên truyền về Hàn Quốc như là một quốc gia nghèo khổ và thậm chí là nô lệ của Mỹ và Nhật.
Tính từ năm 1998 tới nay, có khoảng gần 34,000 người Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc. Trong số 400 người được phỏng vấn, 60% thừa nhận trước cuộc đào thoát, họ đã có cơ hội kết nối với mạng quốc tế. Xu hướng bỏ chạy khỏi quê hương tăng ở thế hệ gen Z (năm sinh 1997-2012) và họ thậm chí thuyết phục cha mẹ của mình. Họ mong muốn trốn sang Hàn Quốc vì có chung ngôn ngữ và một nền văn hoá tương tự với quê nhà.
Với những người đào tẩu, lần đầu tiên họ biết rằng mình có thể tự do du lịch tới khắp nơi trên thế giới mà trước đó, Triều Tiên là cả thế giới với họ và họ không được đi đâu ngoài vùng đất này tới khi chết.
Tuy thế, một số người đào tẩu đã lựa chọn quay lại quê hương vì không thể hoà nhập. Dù nói chung ngôn ngữ với người Hàn Quốc, âm điệu và ngữ giọng khác nhau vẫn khiến họ bị phân biệt đối xử.
Những người sống ở thủ đô chắc chắn hưởng một cuộc sống tốt đẹp hơn ở vùng nông thôn. Họ là những người thuộc tầng lớp cao trong xã hội và trung thành tuyệt đối với Đảng. Có rào chắn trên khắp các nẻo đường dẫn tới thành phố để ngăn cản người dân đi lại mà không có giấy phép. Điều này khác biệt rất nhiều ở Việt Nam khi bất cứ ai cũng có thể lên thủ đô Hà Nội, ở trọ và làm tạm trú.
Mặc dù trong các sự kiện đặc biệt như hội chợ hoặc thi đấu bóng đá, người dân sử dụng di động và máy ảnh khá nhiều, việc này lại không phổ biến ở các đường phố của Bình Nhưỡng vì thiết bị công nghệ vẫn còn là một thứ đồ xa xỉ tại đây.
Các đường phố tại Triều Tiên có một sự tĩnh lặng và trống trải kỳ lạ bởi rất ít phương tiện đi lại, âm thanh của giao thông hay người đi bộ hầu như không nghe thấy.
Đường phố vắng lặng ở Triều Tiên (Nguồn: Michael Turtle, một nhà báo tự do và blogger du lịch)
Theo thống kê, có hơn 26 triệu người dân sinh sống ở Triều Tiên (tổng diện tích 219 nghìn km2- bằng khoảng 2/3 so với Việt Nam nhưng dân số đạt tới hơn 99 triệu người). Tại Bình Nhưỡng có khoảng 3 triệu người với diện tích 829km2. Gấp hơn 3 lần về diện tích và Hà Nội chỉ có 8,4 triệu người sinh sống. Tuy nhiên, thực tế cảm nhận ở Bình Nhưỡng vắng vẻ hơn rất nhiều so với một Hà Nội ồn ào và tấp nập.
Thậm chí, theo như bình luận của Michael Turtle, một nhà báo tự do và cũng là một blogger du lịch, nơi đây giống như hình ảnh về một ngày hậu tận thế.
Tuy nhiên, bạn có thể cảm nhận cuộc sống thường ngày khi đi các phương tiện công cộng. Xe buýt và tàu điện đã cũ và đầy ắp người, nhất là vào giờ cao điểm.
Xe buýt cũ kỹ và chật cứng người vào giờ cao điểm (Nguồn: Michael Turtle)
Người dân Triều Tiên đa phần làm việc trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất và quân sự. Hầu hết đều là các công việc nặng nhọc. Thậm chí, công nhân xây dựng phải làm những việc bằng tay thay vì máy móc như ở các nước tiên tiến.
Tàu điện chật kín người trong giờ cao điểm (Nguồn: Michael Turtle)
Đặc biệt, khác với các thành phố ở Việt Nam, không hề có nhà hàng, quán café, quán bar, hay các cửa hàng bán đồ như quần áo hoặc trang sức trên dọc các con phố tại Bình Nhưỡng. Trên con phố chính có một cửa hàng bách hoá hầu như trong tình trạng vắng khách, chỉ có một nhân viên đứng lẻ loi sau quầy. Cửa hàng bách hoá này cũng chỉ mới được hoàn thiện vào tháng 12 năm 2010 với mục đích cải thiện đời sống của người dân Bình Nhưỡng. Ở đây bán đồ điện, mỹ phẩm, đồ ăn, đồ gia dụng và nhiều hơn thế.
Cửa hàng bách hoá Potonggang tại Bình Nhưỡng, Triều Tiên, chụp năm 2017 (Nguồn: Tờ Insider)
Người dân ở Bình Nhưỡng sống chủ yếu trong các toà chung cư cao tầng có các bức tường màu xám. Tuy thế, vào ban đêm, hầu hết các cửa sổ đều tối om. Có thể là do vấn đề cung cấp điện ở quốc gia này hoặc căn nhà không có người ở. Theo như báo cáo của CIA năm 2019, chỉ có 26% dân số Triều Tiên được cung cấp điện. Ngoài ra, người dân chỉ được sử dụng điện trong 2 giờ mỗi ngày để phục vụ điện cho sản xuất.
Trong một số căn hộ sáng đèn vào buổi tối, có thể thấy trang trí trong phòng khá tối giản và trần trụi với chủ yếu những bức ảnh của các nhà lãnh đạo treo trên tường.
Trái ngược với các toà chung cư thô sơ, quanh thành phố vẫn có các toà nhà to lớn và hùng vĩ tượng trưng cho quyền lực và địa vị. Một trong những toà nhà ấn tượng nhất là Cung thiếu nhi, được giới thiệu là nơi dành cho học sinh tới học nghệ thuật, thể thao và âm nhạc sau các tiết học trên lớp. Ngay bên trong Cung thiếu nhi là một tiền sảnh lớn bằng đá cẩm thạch. Nơi đây có 120 phòng, 1 bể bơi, 1 phòng tập thể dục thể thao và nhà hát có sức chứa 2,000 khách.
Tiền sảnh lớn bằng đá cẩm thạch trong Cung Thiếu Nhi tại Bình Nhưỡng, Triều Tiên (Nguồn: Michael Turtle)
Các khách du lịch được đón tiếp bởi một buổi hoà nhạc vô cùng ấn tượng. Dường như học sinh ở đây đã dành rất nhiều thời gian rảnh rỗi của mình để tham gia vào các buổi tập hát, nhảy và thể dục thể thao, phù hợp với ý tưởng của Đảng và khuynh hướng nghệ thuật của nhà lãnh đạo Kim Jong-il- cha của chủ tịch Kim Jong-un đương nhiệm.
Học sinh Triều Tiên dành nhiều thời gian rảnh để học hát, múa, nhảy và thể thao (Nguồn: Michael Turtle)
Hiện cung Thiếu Nhi là toà nhà lớn nhất ở quốc gia này, được hình thành theo tôn chỉ “Trẻ em là các vị vua của Triều Tiên”.
Gần đây, một cô bé Triều Tiên với giọng Anh hoàn hảo đã chia sẻ một đoạn video dài khoảng 4 phút về cuộc sống ở Bình Nhưỡng của mình với rất nhiều điều tốt đẹp. Ví dụ như họ được học ở một ngôi trường đáng mơ ước, chăm sóc và chữa bệnh ở một bệnh viện tiên tiến, vui chơi ở công viên giải trí, tham gia chương trình chiếu phim tương tác và phòng tập thể dục hiện đại và tham quan hang động đá vôi.
Đoạn cắt trích ra từ video của Song A, một cô bé Triều Tiên chia sẻ về cuộc sống đáng mơ ước của mình (Nguồn: Tờ CNN)
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng những câu chuyện kể trên không đại diện cho tất cả người dân Triều Tiên. Đó chỉ là cuộc sống xa hoa của tầng lớp cao trong xã hội như là của gia đình các quan chức lãnh đạo, người được phép hưởng các điều kiện cao cấp như điều hoà, xe máy, ô tô và café.
Ngoài ra, các cơ sở vật chất như công viên giải trí thực sự không mở mỗi ngày do nguồn năng lượng hạn chế ở Triều Tiên. Kể cả rạp chiếu phim, hẳn cũng chỉ mở vào cuối tuần hoặc các sự kiện đặc biệt. Ngoài ra, trong các video, chuyên gia phân tích rằng các nội dung được kiểm duyệt và chuẩn bị sẵn. Dường như đây là chính sách tuyên truyền mới của chính phủ Triều Tiên ra thế giới để mọi người tin rằng nơi đây cũng bình thường như bao quốc gia khác.
Dưới các góc nhìn khác nhau, có thể Triều Tiên sẽ có chút khác biệt. Những người có tầng lớp và địa vị cao trong xã hội hưởng những đặc quyền tốt hơn những người tầng lớp thấp. Tuy thế, nhìn chung, thủ đô Bình Nhưỡng ở Triều Tiên dường như vẫn thiếu sự sôi nổi, tấp nập và đông đúc như các thành phố khác trên thế giới.
>> Mời quý bạn đọc theo dõi tiếp phần 2 về: Cuộc sống ở vùng nông thôn và con người Triều Tiên.