Bệnh trẻ em

14/03/2023

Giúp bé hết chậm nói tại nhà: Các biện pháp đơn giản nhưng hữu ích

Với các bé dưới 2 tuổi chậm nói đơn thuần (loại trừ khả năng bị vấn đề ở tai, lưỡi, răng miệng hay rối loạn phổ tự kỷ, rối loạn ngôn ngữ nặng), ba mẹ có thể xử lý tại nhà bằng cách tương tác với bé nhiều hơn. Ba mẹ tham khảo một số biện pháp đơn giản nhưng hữu ích giúp bé hết chậm nói ngay tại nhà, được hướng dẫn bởi chuyên gia tại Trung tâm Y tế Bệnh viện Nhi đồng Cincinnati, Mỹ.

1. Trở thành bố mẹ “Nói nhiều”

Theo nghiên cứu của Bệnh viện Nhi đồng Cincinnati, Mỹ, các em bé có bố mẹ “nói nhiều” sẽ phát triển ngôn ngữ nhanh hơn các trẻ khác. Trẻ em tiếp xúc nhiều nhất với bố mẹ khi còn nhỏ nên bố mẹ chính là người có thể hỗ trợ các em nhiều nhất, tránh tình trạng chậm nói.

 

bố mẹ nói nhiều giúp con hết chậm nói

Trở thành bố mẹ nói nhiều giúp con hết chậm nói (Nguồn: Haysiri)

 

Tuy nhiên, không phải cứ nói nhiều là tốt, bố mẹ cũng cần ghi nhớ một số lưu ý sau để giao tiếp với bé mang lại hiệu quả tốt nhất:

  • Cố gắng giữ những cuộc nói chuyện thường xuyên với con trong ngày và ngày qua ngày, tránh tình trạng bỏ lỡ, hoặc để bé ít được nghe tiếng nói chuyện của bố mẹ, ông bà với mình. Bố mẹ có thể nói cho con nghe về thời tiết hôm nay, cảm xúc của mình hoặc tâm sự những câu chuyện trong gia đình hoặc cuộc sống. Dù bé không hiểu nhưng bé có thể lắng nghe và nắm bắt thêm từ vựng mới.
  • Cần để đó là cuộc trò chuyện đến từ hai phía. Nghĩa là không phải bố mẹ chỉ nói và không lắng nghe con, hoặc không để cho con có cơ hội được nói. Để khuyến khích điều này, bố mẹ có thể miêu tả đồ vật, thuật lại các hành vi của con và thêm vào các từ ngữ về bối cảnh, không gian. Sau một thời gian con chỉ nhại lại cách miêu tả của bố mẹ thì con có thể tự diễn tả được, ví dụ “Con chó này to/nhỏ”. Thêm nữa, khi đứa trẻ có vẻ dừng lại suy nghĩ, bố mẹ cũng nên dừng lại theo con và cho con có cơ hội để giải phóng ngôn ngữ một cách sáng tạo theo ý mình. Ví dụ, trẻ có thể nói “Con chó này rộng”. Bố mẹ cũng hãy để trẻ tự phát triển suy nghĩ, và chỉ thay đổi lại ngôn từ khi trẻ nhầm ý, “Con chó này to quá, ý con là thế đúng không?”.
  • Không nên bắt chước ngôn ngữ của trẻ. Nhiều em bé sẽ nói ngọng hoặc có cách luyến láy từ không đúng, bố mẹ không nên lặp lại và bắt chước những từ ngữ nói sai như thế. Ví dụ, rất nhiều bé nói ngọng dấu ngã. Bố mẹ không ép hoặc mắng bé vì nói sai nhưng cũng không được nói giống thế trong các cuộc hội thoại. Bởi vì các em còn quá nhỏ để hiểu đó là trêu. Việc này sẽ gây khó khăn trong quá trình phát triển ngôn ngữ của trẻ.
  • Trong lúc trò chuyện, bố mẹ cần giao tiếp bằng mắt, cử chỉ với bé. Một trong các biểu hiện chậm nói của bé là không có các cử chỉ giao tiếp bằng mắt, bằng tay như vẫy tay chào, gật đầu, lắc đầu. Vì thế, bố mẹ cần hướng dẫn bé một cách gián tiếp bằng cách đan xen những cử chỉ vào trong cuộc hội thoại với con. Nếu rảnh, bố mẹ nên ôm con và cầm tay bé khi nói để bé cảm nhận được tình thương. Dù bận nấu cơm hay làm việc nhà thì khi trò chuyện với bé, bố mẹ cũng có thể dùng hành động, ví dụ như gật đầu “Con nói có, con thích, con muốn thì con gật đầu như thế này nhé”. Hoặc lắc đầu “Con không muốn, không thích, không cần thì con lắc đầu như này”. Việc này sẽ giúp bé tạo thói quen tốt khi nói chuyện và tăng cường việc giao tiếp bằng mắt, hành động.
  • Kiên nhẫn hết mức có thể. Đây là một điều kiện cần để bố mẹ giúp con hết chậm nói vì với những em bé như thế, nỗ lực để có thể nói một, hai từ và diễn tả cảm xúc của bản thân không hề dễ. Nếu bố mẹ không đủ kiên nhẫn để chờ đợi con, lắng nghe con thì rất có thể em bé sẽ trở nên tự ti, càng không dám nói. Hơn hết, trong khi chờ đợi con nói, bố mẹ nên nhìn vào mắt con cổ vũ để con tự tin hơn.

2. Trở thành “bạn” của con

Các em bé chậm nói có xu hướng bám bố mẹ và không thích chơi với các bạn cùng trang lứa. Bố mẹ nên quá ép bé ra chơi cùng các bạn nếu bé không đồng ý. Thay vì đó, trước hết, bố mẹ hãy thử trở thành bạn của con.

 

trở thành bạn của con giúp con hết chậm nói

Trở thành bạn của con giúp con hết chậm nói (Nguồn: Haysiri)

 

Nghĩa là, có rất nhiều trò chơi bố mẹ có thể chơi cùng con tại nhà mà giúp con hết chậm nói:

  • Đi dạo cùng con: Không chỉ là đi dạo, bố mẹ hãy chỉ cho con biết về các hình ảnh xung quanh, như hoa màu gì, đây là con gì? Bầu trời hôm nay có màu gì, là thời tiết ra sao?
  • Chơi các trò chơi luân phiên: Nhiều bé chưa biết vẫy tay, gật đầu, lắc đầu hay có các hành vi trong giao tiếp. Khắc phục tình trạng này, các chuyên gia tại Trung tâm Y tế Bệnh viện Nhi đồng Cincinnati, Mỹ gợi ý bố mẹ nên chơi luân phiên với bé. Ví dụ như tung bóng qua lại, chia sẻ đồ ăn với nhau hoặc đơn giản như cùng nhau lật trang sách.
  • Chơi trốn tìm: Một trò chơi cũng có tác dụng khá lớn trong việc giảm chậm nói ở trẻ là trò chơi trốn tìm hoặc truy tìm đồ vật. Hiện nay nhiều bé xem hoạt hình và rất thích “peekaboo”, bố mẹ có thể áp dụng để chơi với con. Bé nhỏ thì chơi ú oà, bé lớn thì chơi trốn tìm. Con đi tìm rồi tới lượt bố mẹ đi tìm, con trốn. Một cách khác là bố mẹ sẽ đố con tìm thấy một đồ vật trong nhà, ví dụ “Đố con tìm thấy cái tivi đấy!”. Hoặc bố mẹ in tài liệu cho con chơi. Tham khảo thêm tài liệu miễn phí ở đây. https://stemgo.vn/blog Bằng cách này, bố mẹ sẽ giúp các bé hiểu được các mệnh lệnh đơn giản, làm theo cũng như trả lời các câu hỏi dễ.
  • Đóng kịch: Bố mẹ có thể đóng kịch với con, chơi trò chơi rối tay hoặc búp bê với con. Những câu chuyện nên mang tiếng miêu tả, ví dụ thay vì hỏi như “Quả bóng đâu?”, bố mẹ nên nói “Quả bóng to màu đỏ đâu?”. Việc này giúp bé trau dồi nhiều tính từ hơn. Đóng kịch cũng giúp bé tự tin hơn, tương tác với người khác tốt hơn và hiểu các cử chỉ trong giao tiếp cũng như hứng thú nói chuyện hơn.
  • Nghe nhạc, xem hoạt hình cùng con: Nhiều bé chậm nói vì quá nghiện tivi, Ipad, xem Youtube quá nhiều. Tuy nhiên, mỗi ngày bố mẹ vẫn có thể dành 15 phút cùng con xem các chương trình âm nhạc, hoạt hình cho trẻ em, ví dụ như “Baby shark”. Xem cùng con có nghĩa là bố mẹ phải kiểm soát nội dung và thời gian con xem cũng như chơi đùa cùng con. Ví dụ sau đó sẽ tập hát cùng con, nhảy cùng con và hỏi lại con về nội dung con đã xem.

3. Biến thành một người thích sách

Đọc sách là một phương pháp vô cùng tốt cho trẻ chậm nói. Để làm được điều đó thường xuyên thì trước hết, bố mẹ phải là một người yêu sách.

 

đọc sách cùng con để giảm bé chậm nói

Đọc sách cùng con giúp con giảm chậm nói (Nguồn: Haysiri)

 

  • Trong nhà lúc nào cũng nên sẵn sách truyện cho trẻ nhỏ. Tuỳ vào điều kiện, bố mẹ có thể mua ít hoặc nhiều sách. Một kệ sách nhỏ, thấp, vừa tầm với của con, an toàn với con nên được ưu tiên. Bắt đầu từ việc con xem sách chỉ vì tò mò, thích lật trang tới khi con thích xem tranh và có thể đọc được chữ. Những điều nhỏ nhặt nhưng mưa dần thấm lâu đó sẽ giúp con phát triển ngôn ngữ rất tốt.
  • Rèn thói quen kể chuyện đêm khuya cho bé. Thói quen này nên được bắt đầu từ khi bé còn rất nhỏ, chỉ 2-3 tháng đầu đời. Dù lúc ấy bé không hiểu bố mẹ đang đọc gì, nhưng bé rất thích bố mẹ đọc cho mình nghe. Khi lớn lên bé sẽ có thói quen và yêu thích việc đọc sách hơn. Sách ban đầu bé đọc nên là thể loại Ehon ít nội dung hoặc nội dung đơn giản, nhiều hình ảnh, từ ngữ quen thuộc như tiếng mèo kêu, gà kêu,..
  • Cho bé đi nhà sách cuối tuần. Nếu được, bố mẹ hãy chăm đưa bé đi nhà sách để bé làm quen với một kho sách có rất nhiều thể loại. Ở đây bé lớn có thể được lựa chọn thể loại sách mà mình yêu thích.
  • In học liệu cho bé hoặc mua học liệu cho bé. Hiện nay có nhiều học liệu rất hữu ích cho các bé chậm nói, bố mẹ có thể tham khảo. https://stemgo.vn/hoc-lieu.html Học liệu giúp bố mẹ và con cái tương tác với nhau nhiều hơn cũng như giúp bé phát triển ngôn ngữ tốt hơn.

Với những phương pháp giúp bé hết chậm nói tại nhà ở trên, bố mẹ sẽ phải dành như toàn bộ thời gian để chăm sóc, gần gũi với con. Do đó, những gia đình chưa đủ điều kiện vì bố mẹ cần đi làm cả ngày có thể gửi con vào các trung tâm can thiệp, hoặc với bé dưới 2 tuổi thì cho bé đi lớp mầm. Tuy vậy, khi về nhà hoặc có thời gian rảnh cuối tuần, bố mẹ nên áp dụng một số biện pháp ở trên để hỗ trợ con thêm.

 

>> Xem thêm: Khám chậm nói cho bé: Review ở bệnh viện nhi Trung Ương (cập nhật 2023)

 

0like
0 Bình luận
414 Đã xem
Share

Tham gia thảo luận

chat
Bạn hãy Đăng nhập để thảo luận

icon mặt cười

Bài viết được quan tâm

Xem thêm >>