Du lịch thế giới
04/05/2023
Vì là quốc gia bí ẩn nhất trên thế giới, Triều Tiên được rất nhiều người ưa phiêu lưu và khám phá những điều mới lạ quan tâm tới. Các du khách mong muốn được trải nghiệm cuộc sống ở quốc gia này một cách chân thực nhất. Tuy nhiên, vì vẫn là một ẩn số với cả thế giới, việc tiếp cận tới các tour du lịch đi Triều Tiên vẫn gây khó khăn cho nhiều người, nhất là sự nghi ngại liệu vào đất nước này có an toàn cho người ngoại quốc hay không.
Trước khi đại dịch Covid-19 bùng nổ, có rất ít tour du lịch tới Triều Tiên và tất cả đều được tiến hành và kiểm soát bởi Bộ du lịch để làm sao khiến du khách chỉ thấy những điều tốt đẹp nhất ở đây. Trong năm 2019, phần lớn khách du lịch tới Triều Tiên là người Trung Quốc. Tổng số 125,000 du khách tới đất nước này thì có tới 120,000 người đến từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, con số rất ít so với các nước khác. Ví dụ như trong năm 2019, có tới hơn 18 triệu du khách quốc tế tới tham quan Việt Nam. Vì thế, có thể thấy, chính phủ Triều Tiên không quá mở rộng du lịch với khách nước ngoài. Đặc biệt, sau đại dịch, tới tận hiện tại, quốc gia này vẫn chưa mở cửa cho phép khách quốc tế tới tham quan.
Theo như đại diện một công ty du lịch ở Trung Quốc, Triều Tiên dự kiến sẽ mở cửa du lịch vào giữa tháng 6 năm 2023. Tuy nhiên, đây là lần thứ 3 chính phủ Triều Tiên lưỡng lự khi quyết định cho khách du lịch nước ngoài tới thăm quốc gia này sau đại dịch. Trước đó, Triều Tiên có ý định sẽ cho phép du khách tới tham quan vào tháng 3/2023, sau đó lùi tới tháng 4 và hiện tại tiếp tục lùi tới tháng 6.
Triều Tiên (North Korea) với thủ đô Bình Nhưỡng (Pyongyang) nằm kế Hàn Quốc (South Korea) và Trung Quốc (China) (Nguồn: Internet)
Vì các tranh chấp về chính trị với Hàn Quốc, các tour du lịch tới Triều Tiên hầu như đều quá cảnh ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Trước đó, có các tour đi từ Hàn Quốc nhưng năm 2008 đã bị huỷ, tới tháng 4 2010 các tours tới Kaesong, Triều Tiên được mở lại nhưng chỉ một tháng sau, lại tiếp tục bị đình chỉ.
Người Hàn Quốc và các nhà báo hầu như bị cấm vào Triều Tiên trừ một số trường hợp đặc biệt cần có sự chấp thuận của chính phủ cả hai nước. Trước đó, cư dân Singapore và Malaysia được phép vào Triều Tiên chỉ cần hộ chiếu mà không cần visa. Nhưng quyết định này đã bị bãi bỏ vào tháng 2 năm 2017.
Hiện người dân Trung Quốc với hộ chiếu thông thường sẽ được ở lại quận Tongrim ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên theo tour trong tối đa 2 ngày hoặc thành phố Yeng Byen, tiếp giáp với Đan Đông, Liêu Ninh, Trung Quốc, trong 1 ngày mà không cần có visa.
Hoặc những người có hộ chiếu ngoại giao hoặc công vụ của một số nước như Việt Nam, Belarus, Nga, Lào, Trung Quốc, Cuba, Indonesia, Myanmar, Ukraine, Mongolia và Ấn Độ có thể tới Triều Tiên không cần visa.
Tuy nhiên, về cơ bản, du khách muốn tham quan Triều Tiên yêu cầu phải có visa dưới dạng thẻ du lịch cho khách du lịch. Đại lý du lịch sẽ chịu trách nhiệm xin visa cho du khách.
Visa được chấp thuận khi tới Triều Tiên (Nguồn: Internet)
Du khách muốn du lịch tới Triều Tiên bắt buộc phải thông qua các công ty du lịch, ví dụ như DDCTS, một đại lý du lịch ở Đan Đông, Trung Quốc tiếp giáp với biên giới Triều Tiên hoặc Koryo Tour có trụ sở ở Bắc Kinh chuyên phục vụ các khách du lịch từ châu Âu hay châu Mỹ. Ngoài ra, du khách bắt buộc phải tham quan Triều Tiên với hướng dẫn viên nội địa, không được phép đi lại tự do hoặc làm việc gì trái với các quy định nghiêm ngặt ở đây.
Giá tour du lịch tới Triều Tiên khoảng 30-40 triệu 1 người, bao gồm trọn gói từ ăn ngủ, đi lại, vé tham quan và hướng dẫn viên, chỉ không bao gồm chi phí cá nhân như mua sắm, tips hoặc giặt là.
+ Không nên mặc quần jeans xanh, nhất là khi tới đài tưởng niệm Kim Nhật Thành và Kim Jong-il.
+ Không được phép sử dụng nội tệ. Thay vào đó, nếu có nhu cầu mua sắm, du khách nên đổi sang USD, Euro hoặc tiền Trung Quốc. Ở đây không dùng thẻ tín dụng hoặc thẻ thanh toán quốc tế và cũng không có cây ATM để rút tiền.
+ Hạn chế mang theo sách, nhất là không nên mang các loại sách tuyên truyền tôn giáo như Kinh thánh. Tất cả các sách liên quan tới tôn giáo đều bị cấm ở Triều Tiên. Nếu bị bắt, du khách có thể bị giam giữ, nặng nhất là tử hình.
+ Không được nói chuyện, chụp ảnh người dân địa phương. Ở Triều Tiên, cư dân không được phép giao tiếp với người nước ngoài. Tương tự, du khách tới tham quan không được chụp ảnh và trò chuyện với cư dân ở đây.
+ Cấm nói chuyện chính trị, nhất là về chính phủ của Triều Tiên. Không chỉ du khách mà cả người dân ở đây đều nghiêm cấm không được bàn luận về chính phủ, đặc biệt là chỉ trích về các chính sách của Lãnh đạo. Nếu bị bắt sẽ phải lao động khổ sai và truyền bá tư tưởng của quốc gia này.
+ Cần phải cúi đầu tỏ ra tôn trọng tới các nhà lãnh đạo ở Triều Tiên khi tới tượng đài Kim Nhật Thành và các vị lãnh đạo khác.
Chụp ảnh với tượng đài của các vị lãnh đạo ở Triều Tiên có những quy định nghiêm ngặt (Nguồn: Internet)
+ Một số khu vực được phép chụp ảnh và một số khác bị cấm, như là các khu quân sự. Hướng dẫn viên sẽ trao đổi chi tiết về vấn đề này. Cụ thể, khi chụp ảnh với tượng đài hoặc ảnh của các vị lãnh tụ ở Triều Tiên, du khách không được bắt chước tư thế của tượng/ảnh, không được cắt bớt ảnh, phải có đầy đủ hình ảnh của bức tượng, và người chụp phải luôn đứng ở vị trí thấp hơn.
+ Du khách được mang điện thoại, laptop và máy tính bảng nhưng sẽ được kiểm tra nghiêm ngặt trước khi đặt chân vào Triều Tiên. Các hình ảnh liên quan tới chính trị, tôn giáo hoặc khiêu dâm sẽ bị xoá ngay lập tức.
+ Du khách được phép mang máy chụp ảnh nhưng ống kính tele không được phép zoom 200-300mm.
Từ tháng 2 năm 2013, người nước ngoài được phép kết nối mạng khi tới Triều Tiên thông qua Koryolink, một nhà cung cấp mạng không dây ở quốc gia này. Tuy nhiên, có rất nhiều quy định nghiêm ngặt khi kết nối mạng ở đây và mạng ở Triều Tiên không được kết nối với thế giới. Du khách được dùng điện thoại bàn ở khách sạn với chi phí khá đắt đỏ (khoảng 15,000VNĐ 1 phút) và sử dụng Internet để gửi mails có giá khoảng 150,000VNĐ cho 30 phút lướt mạng. Hầu như khi tới Triều Tiên, du khách phải xác định sẽ là những ngày trải nghiệm “không điện thoại, không Internet”.
Khá khó để nói liệu Triều Tiên có thực sự an toàn cho khách du lịch nước ngoài hay không. Với khoảng 5,000 người phương Tây tới Triều Tiên, đa số đều trở về an toàn nếu tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt ở đây. Tuy thế, vẫn có số ít các sự cố xảy ra. Ví dụ như năm 2014, Jeffrey Edward Fowle, một du khách Mỹ đã bị giam giữ tại Triều Tiên do để lại một quyển kinh thánh tại khách sạn nơi ông lưu trú ở Bình Nhưỡng. Về phía Triều Tiên coi đây là hành vi trái với mục đích du lịch.
Jeffrey Edward Fowle vui vẻ gặp lại con trai tại sân bay quân sự ở Ohio, Mỹ sau khi được Triều Tiên thả tự do (Nguồn: Internet)
Ngoài ra, cuối năm 2015, một sinh viên Mỹ tên Otto Warmbier đã tới Trung Quốc và tham gia một tour du lịch của Young Pioneer Tours với đảm bảo chuyến đi an toàn với mọi công dân Mỹ. Sau đó, anh ta bị bắt giữ lại khi đang cố gắng trở về nước từ sân bay Bình Nhưỡng với cáo buộc đã đánh cắp một băng rôn tuyên truyền từ một tầng của khách sạn chỉ dành riêng cho nhân viên. Dù không có bằng chứng cụ thể cho thấy Otto Warmbier đã thực sự làm việc này vì chỉ có một đoạn video ngắn với độ phân giải thấp về hình ảnh một người tháo tấm băng rôn có dòng chữ “Chúng ta hãy mạnh mẽ hơn với chủ nghĩa yêu nước của Kim jong-il!” và để xuống sàn. Trong đoạn video đó, không thể thấy rõ khuôn mặt của người này. Tuy nhiên, đầu năm 2016, sinh viên này vẫn bị bắt trong khi những người khác ở cùng tour du lịch rời đi mà không gặp vấn đề gì.
Otto Warmbier bị bắt giữ ở Triều Tiên (Nguồn: Internet)
Đến tận tháng 6 năm 2017, sau nhiều nỗ lực của Hoa Kỳ để giải cứu, Warmbier cuối cùng đã được thả vì lý do nhân đạo nhưng chỉ 6 ngày sau khi trở lại quê hương, chàng sinh viên đã qua đời vì tổn thương thần kinh nghiêm trọng.
Do đó, Hoa Kỳ đã đưa ra cảnh báo người dân không nên du lịch tới Triều Tiên để tránh rủi ro bị bắt và giam giữ dài hạn ở quốc gia này vì những lo ngại về chính trị giữa hai nước. Tất cả các hộ chiếu quốc tịch Mỹ đều không hợp lệ để đi đến, đi qua hoặc vào Triều Tiên trừ những chuyến đi đặc biệt có thẩm quyền của Bộ Ngoại Giao. Ngoài ra, chính phủ Hoa Kỳ sẽ rất khó bảo vệ cư dân của mình ở Triều Tiên vì không có quan hệ ngoại giao hoặc lãnh sự quán ở nước sở tại. Hiện Thuỵ Điển đóng vai trò là cường quốc bảo vệ Hoa Kỳ tại Triều Tiên, tuy nhiên, chính phủ Triều Tiên thường xuyên trì hoãn hoặc từ chối gặp gỡ các quan chức Thuỵ Điển nếu người dân Mỹ bị bắt giữ tại đây.
Trái ngược với các tình huống rủi ro ở trên, du khách tới từ các quốc gia khác, bao gồm Việt Nam đều được tiếp đón nồng nhiệt ở đây, tất nhiên, với điều kiện họ không vi phạm bất cứ quy định nào ở Triều Tiên. Hầu hết những reviews trên TripAdvisor về Koryo Tour đều rất tích cực về đất nước Triều Tiên, sự an toàn khi tới đây, sự minh bạch và tận tình của hướng dẫn viên khi nói về các quy định được phép và không được phép ở đây. Song, với các quy định nghiêm ngặt kể trên, nhiều người sẽ cảm thấy khá khó để tuân thủ mà không vô tình gây ra sai lầm.
Thời gian sắp tới, dự kiến Triều Tiên sẽ mở các tour du lịch cho phép khách nước ngoài tới tham quan. Nếu yêu thích quốc gia này và tò mò về cuộc sống của người dân nơi đây, quý vị có thể đăng ký một tour tới thăm mảnh đất xinh đẹp và bí ẩn này. Tuy nhiên, trước khi bắt đầu chuyến đi, quý khách cần tìm hiểu kỹ lưỡng về trang phục, vật dụng và các hành vi bị cấm ở Triều Tiên để tránh những rủi ro không đáng có.
>> Xem thêm: Khám phá cuộc sống ở Triều Tiên (phần 2) Cuộc sống ở các vùng nông thôn và con người Triều Tiên