Nuôi con

27/04/2023

Thay vì hỏi “Hôm nay con học có vui không? Cô có mắng không?”, hãy hỏi những câu hỏi mở khi đón bé từ trường mẫu giáo: 50 mẫu câu gợi ý

Câu đầu tiên bạn hỏi con khi đón bé từ trường mầm non là gì? Có lẽ hầu hết chúng ta đều sẽ hỏi “Hôm nay con học có vui không?” hoặc “Ngày hôm nay của con thế nào?”, thậm chí là những câu mang tính tiêu cực một chút như “Hôm nay con có bị cô giáo mắng không?” hoặc “Có bạn nào bắt nạt con không?”. Và bé đã trả lời như thế nào nhỉ? Hoặc là kể rất nhiều hoặc là im lặng. Hoặc là gật đầu vô thức theo mẹ. Vậy lần này, cha mẹ thử thay đổi câu hỏi dành cho con xem kết quả có gì khác biệt không nhé?

 

những câu hỏi con khi đón con từ trường

Cha mẹ thường hỏi “Hôm nay con học có vui không?” khi đón con từ trường mẫu giáo (Nguồn: Haysiri)

 

Thực tế, không phải câu hỏi “Hôm nay con học thế nào? Có vui không?” là một câu hỏi không tốt hoặc vô nghĩa. Nhưng thường thì sẽ kết thúc bằng câu trả lời “Vui ạ” hoặc “Không vui ạ” hoặc im lặng. Nếu như đây chỉ là câu cửa miệng và không yêu cầu con kể chi tiết thì có thể cha mẹ sẽ không quá quan tâm tới cách con trả lời.

Tuy nhiên, với các bậc cha mẹ thực sự mong muốn kết nối nhiều hơn với con, được con chia sẻ nhiều hơn và hiểu hơn về một ngày ở trường của con, thì những câu trả lời ngắn gọn ở trên hoàn toàn không thoả mãn. Sự thật thì các câu hỏi mở và kích thích tư duy không chỉ giúp cha mẹ và con cái gắn kết với nhau hơn mà còn khuyến khích các bạn nhỏ nhớ lại các sự kiện trong ngày, suy nghĩ mang tính tư duy phản biện, và phát triển kỹ năng giao tiếp tốt hơn.

Dưới đây là 50 câu hỏi chính mà cha mẹ có thể hỏi con khi gặp lại bé sau một ngày học tập ở trường mẫu giáo.

  1. Điều gì đã làm con mỉm cười khi đến trường thế?
  2. Con có thể kể cho cha/mẹ nghe điều gì mới mà con đã học được ở lớp hôm nay không?
  3. Việc gì hài hước nhất đã xảy ra hôm nay ở lớp vậy con?
  4. Con đã chơi gì vào giờ giải lao thế?
  5. Môn học yêu thích nhất của con hôm nay là gì thế? Tại sao con lại thích môn đấy vậy?
  6. Có việc gì siêu khó mà con đã thử làm ở lớp hôm nay không? Con đã làm gì vậy?
  7. Con có giúp đỡ bạn học nào hôm nay không? Và con đã giúp mọi người như nào thế?
  8. Hôm nay con có thử làm điều gì đó mới lạ không?
  9. Chủ đề nào mà con thấy hào hứng nhất khi học ở lớp hôm nay?
  10. Hôm nay con có chơi lego hay xếp hình không? Con đã xếp được thứ gì thế?
  11. Bữa trưa nay con ngồi ăn cùng bạn nào thế?
  12. Hôm nay con có đọc sách không? Câu chuyện con thích nhất là gì?
  13. Hôm nay ở lớp con có đón vị khách nào đặc biệt không? Hay có sự kiện nào không? (Nếu cha mẹ biết trước hôm nay có sinh nhật của bạn nào đó hoặc nay cô giáo cho các bé làm bánh trôi, bánh chay hoặc bánh trung thu..)
  14. Trong lúc chờ cha/mẹ tới đón con đã làm gì thế?
  15. Hôm nay có lúc nào con cảm thấy hết sức tự hào về bản thân mình không? Kể cho cha/mẹ nghe nhé!
  16. Con đã làm gì trong tiết học nhạc/vẽ/thể dục thế?
  17. Hôm nay con có học thêm từ nào mới không? Kể cho cha/mẹ nghe nhé!
  18. Hôm nay con có dành lời cảm ơn tới bạn nào không?
  19. Con có thể kể cho mẹ một câu chuyện đã xảy ra hôm nay không?
  20. Điều gì đã làm con thấy tò mò hôm nay thế?
  21. Hôm nay ở lớp có điều gì mà con thấy ngạc nhiên không? Là chuyện gì thế?
  22. Con có làm sai điều gì ở lớp hôm nay không? Con đã học được bài học nào từ lỗi sai đó?
  23. Hôm nay con có nói chuyện với các bạn nhiều không? Chuyện gì vui nhất mà các con nói với nhau thế?
  24. Con có bất hoà gì với bạn cùng lớp hôm nay không? Và các con đã giải quyết chuyện đó như thế nào?
  25. Món ăn nào con thích nhất trong bữa trưa thế?
  26. Con thấy không thích món nào nhất trong bữa trưa? Tại sao thế?
  27. Liệu hôm nay con có phát hiện thêm sở thích mới nào của mình không? Là gì thế?
  28. Hôm nay con đã giúp đỡ cô giáo làm việc gì thế?
  29. Hôm nay ở lớp có chơi trò chơi gì không con?
  30. Hôm nay có điều gì làm con thấy bối rối không? Kể cha/mẹ nghe nhé!
  31. Hôm nay con có học thêm địa danh hay nền văn hoá gì mới không?
  32. Hôm nay con có đặt mục tiêu nào cho mình không? Con có đạt được không?
  33. Con đã làm điều gì mà con thấy cực kỳ sáng tạo không?
  34. Hôm nay các con có làm việc nhóm không? Làm việc gì thế con?
  35. Có kỹ năng nào mới mà con học được hôm nay không? Kể cho cha/mẹ nghe nhé!
  36. Câu hỏi nào cô giáo hỏi cả lớp mà con thấy hứng thú nhất?
  37. Con đã làm gì trong giờ khoa học hôm nay thế?
  38. Con đã làm gì trong giờ toán hôm nay thế?
  39. Con đã làm gì trong giờ học tiếng Anh hôm nay thế?
  40. Hôm nay con có học được điều gì để bảo vệ môi trường không?
  41. Con đã thể hiện sự tôn trọng tới các bạn trong lớp như thế nào?
  42. Con có tham gia các hoạt động nhóm hôm nay không?
  43. Điều gì con mong chờ nhất vào buổi học ngày mai?
  44. Con đã thể hiện sự biết ơn tới cô giáo như thế nào?
  45. Điều gì làm con thấy bản thân thật dũng cảm?
  46. Con đã làm gì khi cô giáo yêu cầu các con ngồi trật tự trong lớp?
  47. Con đã tự làm việc gì mà không cần nhờ tới cô hay các bạn giúp đỡ?
  48. Hôm nay con có khám phá ra ý tưởng gì mới lạ không?
  49. Hôm nay cô có kể chuyện cho các con nghe không? Con thích chuyện nào nhất?
  50. Con đã thể hiện tính trách nhiệm của bản thân như thế nào?

 

câu hỏi mở khiến trẻ suy nghĩ tốt hơn

Các câu hỏi mở khuyến khích trẻ suy nghĩ sâu hơn, tư duy nhiều hơn (Nguồn: Haysiri)

 

Một số lợi ích khi hỏi các câu hỏi mở đối với trẻ mầm non là:

+ Khuyến khích tư duy phản biện: Các câu hỏi mở yêu cầu trẻ phải suy nghĩ sâu hơn về những trải nghiệm và sự kiện trong lớp, từ đó giúp trẻ hình thành thói quen tư duy phản biện và kỹ năng giải quyết vấn đề.

+ Tăng cường việc tự phản chiếu bản thân (self-reflection): Các câu hỏi khiến trẻ phải nhớ lại về những cảm xúc, hành vi và quyết định của bản thân để soi chiếu xem đó là đúng hay sai, từ đó giúp trẻ phát triển bản thân theo hướng tốt nhất.

+ Củng cố kỹ năng giao tiếp: Bằng cách trả lời, trẻ có cơ hội thực hành việc diễn tả các cảm xúc và suy nghĩ của bản thân một cách thuần thục cũng như trao đổi ý kiến và tranh luận được rõ ràng hơn.

+ Tăng tình cảm gia đình: Cuộc trò chuyện của cha mẹ và con cái sẽ cởi mở hơn và có nhiều chuyện để khai thác hơn. Từ đó giúp cha mẹ hiểu con cái hơn và kịp thời theo dõi tiến độ học tập của con.

+ Ôn tập bài học: Với việc hỏi về các bài học, trải nghiệm, và kỹ năng của hôm nay, cha/mẹ có thể giúp trẻ ôn tập lại kiến thức được hiệu quả hơn.

+ Phát triển năng lực cảm xúc: Trẻ sẽ học cách quản lý cảm xúc, chia sẻ cảm xúc của bản thân và hiểu về cảm xúc của những người xung quanh qua những câu hỏi mở của cha mẹ.

TỔNG KẾT, với 50 câu hỏi mẫu bên trên, cha mẹ có thể áp dụng và thay đổi dựa theo cuộc trò chuyện thông thường với con mình. Đặc biệt là, mỗi lần đón con cha mẹ nên đổi một câu hỏi khác nhau để con có hứng thú hơn khi trả lời nhé!

 

>> Xem thêm: Có thể con bạn học kém ở trường không phải vì học dốt: Đọc một số lý do dưới đây để hiểu con hơn

 

0like
0 Bình luận
247 Đã xem
Share

Tham gia thảo luận

chat
Bạn hãy Đăng nhập để thảo luận

icon mặt cười

Bài viết được quan tâm

Xem thêm >>