Món ăn ngon

02/03/2025

Những món ngon từ Củ Sắn Phần 3: Xôi sắn món ăn sáng hấp dẫn cho gia đình

Tiếp nối hành trình khám phá những món ăn dân dã nhưng đầy hấp dẫn từ củ sắn, phần 3 của series sẽ giới thiệu đến bạn món “ Xôi sắn” – một món ăn sáng quen thuộc, thơm ngon và no lâu.

 

Xôi sắn béo ngậy thơm ngon 

Xôi sắn béo ngậy thơm ngon

Xôi sắn có độ dẻo của nếp, vị bùi ngọt của sắn, dẻo thơm của nếp, kết hợp với hành phi giòn rụm, mỡ hành béo ngậy. Đây không chỉ là một món ăn giản dị mà còn gắn liền với ký ức tuổi thơ của nhiều người.

Hãy cùng Haysiri vào bếp để thực hiện món xôi sắn thơm ngon, chắc bụng này nhé!

Nguyên liệu để làm món xôi sắn

- Phần xôi sắn:

  • 300g gạo nếp
  • 300g củ sắn (khoai mì)
  • Dừa nạo
  • 1/2 thìa cà phê muối
  • 100ml nước cốt dừa
  • 2 muỗng canh dầu ăn
  • 2 chiếc lá dứa ( lá nếp)

- Phần hành phi:

  • 3–4 củ hành tím (thái lát mỏng)
  • 3 muỗng canh dầu ăn

- Phần mỡ hành:

  • 2 nhánh hành lá (cắt nhỏ)
  • 1 muỗng canh dầu nóng
  • 1/4 thìa cà phê muối
  • Thịt ba chỉ heo hoặc mỡ heo ( nếu thích)

 

Những nguyên liệu cơ bản cho món xôi sắn

Những nguyên liệu cơ bản cho món xôi sắn

Cách làm món xôi sắn ngon

1. Sơ chế nguyên liệu

Ngâm gạo nếp trong nước 4–6 tiếng (hoặc qua đêm) để nếp mềm hơn.

 

ngâm gạo để xôi sắn

Ngâm gạo nếp để khi đồ xôi, hạt gạo bóng và dẻo hơn

Sắn chọn củ tươi, thân thẳng, rửa sơ cho sạch đất. Dùng dao khía từng đường vòng xoắn ốc dọc theo thân củ rồi lách mũi dao để tách bỏ phần vỏ.

 

Cách này giúp tách vỏ sắn dễ dàng

Cách này giúp tách vỏ sắn dễ dàng

Nên cắt bỏ 2 đầu vì trong sắn có chứa chất Acid Cyanhydric, chất này gây đau đầu, nôn nao khi ăn phải và tập trung nhiều nhất ở 2 đầu củ. Vì vậy cắt bỏ 2 đầu và ngâm trong nước muối loãng khoảng 4 - 6 tiếng sẽ giúp loại bỏ bớt độc tố và nhựa trong sắn. Rửa sạch, cắt sắn thành miếng nhỏ hoặc hạt lựu.

 

Sắn cắt hạt lựu

Sắn cắt hạt lựu

2. Hấp xôi sắn:

- Cách 1: Đồ trực tiếp sắn cùng gạo

Trộn gạo nếp đã ráo với sắn đã xử lý. Thêm 1/2 thìa cà phê muối . Trộn đều cho các hạt gạo và miếng sắn được đều. Lót lá dứa để đồ xôi cho thơm. Cho vào xửng hấp, dàn đều.

 

Sắn được trộn cùng gạo và lá nếp

Sắn được trộn cùng gạo và lá nếp

Đồ sắn bằng xửng hấp hoặc nồi hơi khoảng 30–40 phút đến khi xôi chín mềm. Sau đó rưới nước cốt dừa vào xôi, trộn đều và hấp thêm 5 phút để hạt gạo rền, bóng và béo ngậy. Với cách nấu này sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian hơn.

- Cách 2: Đồ xôi và sắn riêng

Cho gạo nếp vào xửng hấp (lót lá chuối hoặc vải màn để tránh xôi bị bết ). Đồ riêng khoảng 30–40 phút cho đến khi nếp mềm dẻo.

 

Xôi sau khi được hấp lần 1

Xôi sau khi được hấp lần 1

Hấp sắn riêng trong xửng có lót lá (hấp khoảng 20–30 phút) hoặc cho vào nồi hấp cho đến khi sắn mềm. Hoặc nếu thích, xào sơ sắn với một chút dầu và muối để tăng hương vị sau đó mới bỏ sắn vào xửng hấp.

 

Sắn hấp bằng nồi hấp

Sắn hấp bằng nồi hấp

Sau khi xôi nếp và sắn đã chín riêng, trộn đều hai phần với nhau. Thêm muối và nước cốt dừa vào hỗn hợp, trộn đều để các hạt xôi và miếng sắn hòa quyện. Cho hỗn hợp đã trộn vào xửng hấp đã lót lá hoặc vải. Hấp chung lần 2 trong khoảng 10–15 phút để các hương vị thấm đều.

Cách hấp này sẽ tốn thời gian hơn. Tuy nhiên với cách này bạn có thể kiểm soát độ chín của xôi và sắn riêng trước khi kết hợp, tạo ra sự đa dạng về cấu trúc và hương vị của món xôi sắn.

 

Xôi sắn sau khi hấp lần 2

Xôi sắn sau khi hấp lần 2

3. Phi hành giòn:

Hành phi giòn là linh hồn của món xôi sắn. Hành phi đúng độ vàng giòn sẽ giúp món xôi sắn thơm ngon, hấp dẫn hơn.

 

 Hành tím thái lát mỏng, phơi ráo nước để giòn hơn

Hành tím thái lát mỏng, phơi ráo nước để giòn hơn

Đun thật nóng dầu, cho hành vào phi lửa nhỏ, đảo đều đến khi vàng giòn. Vớt hành ra để ráo dầu.

 

Miếng hành phi vàng giòn như này là đạt

Miếng hành phi vàng giòn như này là đạt

4. Làm mỡ hành:

Hành lá cắt nhỏ, cho vào bát cùng muối. Đun nóng dầu rồi rưới vào hành lá, khuấy đều. Hoặc đun nóng dầu ăn rồi cho hành lá vào đảo sơ. Nếu muốn ăn kèm tóp mỡ thì đem chiên vàng tóp mỡ trước sau  đó dùng phần mỡ chảy ra để đổ vào hành sẽ được phần mỡ hành béo ngậy.

 

Phần mỡ hành béo ngậy

Phần mỡ hành béo ngậy

5. Hoàn thành:

Xới xôi ra đĩa, rưới mỡ hành lên trên. Rắc hành phi giòn để tăng độ thơm ngon. Có thể ăn kèm muối mè hoặc chà bông nếu muốn.

 

phần xôi sau khi hoàn thành

Phần xôi sau khi hoàn thành

Xôi sắn hành phi ngon nhất khi ăn nóng, cảm nhận vị bùi bùi của sắn, dẻo thơm của nếp, béo ngậy của mỡ hành và giòn rụm của hành phi. Một món ăn sáng đơn giản nhưng đầy đủ hương vị.

Một số lưu ý khi làm món xôi sắn

- Chọn nguyên liệu:

  • Gạo nếp: Chọn loại gạo nếp tươi, hạt to, sau khi ngâm đủ thời gian (4–6 tiếng) để gạo mềm dẻo và thơm ngon.
  • Sắn: Chọn củ sắn tươi, vỏ mịn, có ruột trắng tinh; ngâm sắn trong nước muối loãng 4–6 tiếng để loại bỏ độc tố và nhựa.

- Sơ chế đúng cách:

  • Sắn: Sau khi ngâm, rửa sạch và cắt nhỏ để sắn chín đều khi hấp.
  • Gạo nếp: Xả gạo sau khi ngâm, để ráo nước trước khi hấp.

 

Gạo cần để thật ráo trước khi hấp

Gạo cần để thật ráo trước khi hấp

- Quá trình hấp:

  • Xôi: Hấp xôi trên lửa nhỏ, dùng lá chuối, lá dong hoặc vải màn lót xửng để tạo hương thơm tự nhiên và giữ cho xôi không bị khô.
  • Thời gian: Kiểm tra độ chín của xôi và sắn thường xuyên để tránh hấp quá lâu khiến xôi bị nhão hoặc sắn không chín đều.

- Mỡ hành:

  • Hành phi: Phi hành tím trên lửa nhỏ cho đến khi vàng giòn, tránh cháy để giữ được vị thơm và độ giòn.
  • Mỡ hành: Hành lá sau khi cắt nhỏ, rưới dầu nóng để tạo ra mỡ hành thơm lừng, góp phần tăng hương vị cho món xôi.

- Kết hợp hương vị:

  • Nước cốt dừa: Nếu dùng, hãy trộn đều vào xôi sau khi hấp để tăng vị béo ngậy mà không làm xôi bị nhão.
  • Trộn xôi và sắn: Nếu nấu riêng rồi trộn chung, hãy đảm bảo trộn đều để sắn hòa quyện với gạo nếp, giữ được độ dẻo thơm của xôi.

Những lưu ý này sẽ giúp bạn tạo ra món xôi sắn mỡ hành với độ dẻo, thơm và đậm đà hương vị dân dã, đúng chuẩn và hấp dẫn.

 

Mẻ xôi sắn mỡ hành hoàn hảo nhất là khi hạt xôi bóng, dẻo

Mẻ xôi sắn mỡ hành hoàn hảo nhất là khi hạt xôi bóng, dẻo

Xôi sắn mỡ hành không chỉ là một món ăn truyền thống đậm đà hương vị quê nhà mà còn là minh chứng cho sự khéo léo trong nghệ thuật ẩm thực dân gian. Sự kết hợp hài hòa giữa gạo nếp dẻo thơm, vị bùi của sắn và mỡ hành giòn rụm đã tạo nên một món ăn vừa no bụng, vừa thơm ngon, làm say lòng người thưởng thức.

Hãy vọng với công thức và những lưu ý trên, bạn sẽ tự tin thực hiện và mang đến bữa cơm gia đình thêm phần ấm áp, đậm đà hương vị truyền thống. Hãy tiếp tục theo dõi series “Món ngon từ củ sắn ” để khám phá thêm nhiều công thức độc đáo và hấp dẫn khác. Chúc bạn thành công!

 

>> Xem thêmNhững món ngon từ Củ Sắn Phần 4: Bánh sắn nướng, món ăn dẫn dã hấp dẫn

 

0like
0 Bình luận
22 Đã xem
Share

Tham gia thảo luận

chat
Bạn hãy Đăng nhập để thảo luận

icon mặt cười