ESPORTS

01/04/2023

Esports là gì, esports có tốt cho sức khoẻ hay không?

Esports là một môn thể thao điện tử. Tại SEA Games 31, 8 tựa game được tiến hành là Liên Minh Huyền Thoại, Liên Quân Mobile, FIFA Online 4, Free Fire, LMHT Tốc chiến, PUBG Mobile, Mobile Legend: Bang Bang và Đột Kích. Đội tuyển Việt Nam chủ yếu là thế hệ gen Z tuổi từ 18-21. Tuy nhiên, chơi bộ môn Esports này có tốt cho sức khoẻ của game thủ không thì chưa có dẫn chứng cụ thể.

Esports và sự phát triển trong những năm gần đây

Theo nghiên cứu của Fortune (2022), quy mô thị trường esports trên thế giới đạt $1,22 tỉ trong năm 2021. Lý do là vì sự phát triển của công nghệ như điện thoại di động, khả năng kết nối mạng, sự xuất hiện của nhiều trò chơi điện tử hấp dẫn và nhu cầu của người chơi tăng cao. Tới năm 2022, Insider Intelligence (2023) ghi nhận có 532 triệu người xem thể thao điện tử trên toàn thế giới.

Tại Việt Nam, thể thao điện tử cũng dần được chấp nhận. Cụ thể, trong kỳ SEA Games 31, đội tuyển Việt Nam dành 4 tấm huy chương vàng, đứng đầu Đông Nam Á. Trong đó, Liên Minh Huyền Thoại được coi là bộ môn thế mạnh của Việt Nam.

 

esports có tốt cho sức khoẻ không

Đội tuyển Việt Nam đạt huy chương vàng game Liên Minh Huyền Thoại trong SEA Games 31 (Nguồn: Internet)

 

Tuy thế, theo như Fortune (2022), sự phát triển của thể thao điện tử còn gặp trở ngại về vấn đề sức khoẻ và tình trạng “nghiện game” của game thủ. Nội dung bên dưới sẽ đề cập tới những ảnh hưởng của esports dành cho người chơi.

Mặt tiêu cực mà esports gây ra cho người chơi

Nói tới game chắc chắn số lượng phụ huynh Việt phản đối không hề ít. Truyền thống thì họ luôn cho rằng chơi game ảnh hưởng tới học hành, sức khoẻ và trí tuệ của con cái mình. Có nhiều vụ đã được báo chí đưa tin như đột tử tại phòng game hoặc xô xát, giết người vì nghiện game. Theo đó, đối với phụ huynh Việt, esports không tốt cho sức khoẻ của người chơi.

Tương tự, rất nhiều bài báo và nghiên cứu của nước ngoài cũng có kết luận về những ảnh hưởng không tốt mà esports gây ra. Nghiên cứu của Singh và đồng nghiệp năm 2022 trên các nước có thu nhập thấp và trung bình cho thấy tuy chỉ có phần nhỏ người tham gia esports bị nghiện game, đa số họ gặp phải tình trạng tồi tệ liên quan tới giấc ngủ, sức khoẻ tinh thần, sức khoẻ thể chất và mâu thuẫn với bố mẹ.  

Biểu hiện stress và mệt mỏi, ảnh hưởng tới sức khoẻ tinh thần

Một trong những tác hại xấu của esports với người chơi là bị stress và mệt mỏi quá mức. Theo như khảo sát của Lam và đồng nghiệp năm 2022 trên 50 vận động viên thể thao điện tử, 90% họ thường xuyên cảm thấy mệt và mỏi mắt.

 

vận động viên esport rất dễ bị mệt mỏi và stress

Vận động viên esports rất dễ bị mệt mỏi và stress (Nguồn: Haysiri)

 

Lý do của tình trạng sức khoẻ không tốt này là vì vận động viên esports phải chơi game liên tục trong một khoảng thời gian kéo dài và ở trong một môi trường mang tính cạnh tranh cao (dựa trên nghiên cứu của Palanichamy và đồng nghiệp năm 2021). Nếu như nhiều người bình thường chỉ chơi game vào cuối tuần một vài tiếng để thư giãn sau một tuần học bài hoặc làm việc. Người chơi esports phải tập trung vào game hàng ngày.

Ngoài ra, theo như Lagunas (2019) viết trên tờ báo DW, vận động viên esports thông thường cần làm 400 thao tác mỗi phút. Tuy điều này chứng tỏ khả năng nhìn và dùng tay rất giỏi, việc kéo dài trong một thời gian dài không hề tốt cho sức khoẻ của người chơi. Nhịp tim trong suốt thời gian chơi có thể lên tới 120, thậm chí 180 trên phút, tương đương với mức độ stress của một tay đua. Thậm chí, Lagunas đề cập tới việc mỏi mệt và stress ở vận động viên esports kéo dài kể cả sau 2-3h chơi game.

Tác hại xấu tới mắt, xương, sức khoẻ thể chất do ngồi quá lâu

Ngoài ảnh hưởng không tốt tới sức khoẻ tinh thần, người chơi esports còn phải chịu những tác hại xấu tới sức khoẻ thể chất do ngồi quá lâu. Đây được coi là vấn đề đáng cảnh báo nhất trong nghề thể thao điện tử.

Trong một cuộc phỏng vấn, một vận động viên esports trả lời rằng trong suốt các giải đấu, họ phải ngồi nhiều hơn 12 tiếng một ngày trước máy tính và kể cả trong thời gian nghỉ ngơi cũng cần ngồi để bàn chiến lược với đồng đội. Theo thời gian dài, việc này không tốt cho lưng như bị thoát vị đĩa đệm, thoái hoá cột sống sớm.

Thậm chí, có nghiên cứu cho thấy ngồi liên tiếp trong 6 tiếng một ngày suốt 2 tuần liên tiếp làm tăng lượng cholesterol, dẫn tới việc tăng cân, tiểu đường và các bệnh về tim mạch.

 

chơi game ngồi quá lâu

Chơi game phải ngồi quá lâu dẫn tới các bệnh về tim, cân nặng, xương (Nguồn: Haysiri)

Nghiện game, khó quản lý cảm xúc, hành vi bạo lực

Ở mức độ tệ nhất, esports có thể bị quá đà dẫn tới việc nghiện game, khó quản lý cảm xúc và các hành vi bạo lực ở người chơi. Nghiện game là tình trạng một người không thể quản lý thời gian chơi game, dẫn tới việc chơi liên tục trong một thời gian dài, không thể thoát ra được và chỉ cảm thấy thoải mái khi chơi, thậm chí trong đầu chỉ liên tục nghĩ tới bối cảnh và nhân vật trong game. Mọi ưu tiên như công việc, học tập hay gia đình đều bị xếp sau việc chơi game. Theo như nghiên cứu của Singh và đồng nghiệp năm 2022, tình trạng nghiện game chỉ xuất hiện ở một số ít người chơi.

Tuy nhiên, trong số ít đó, có một số người có hành vi bạo lực, trầm cảm, dễ bị kích động và lo âu do không thể quản lý được cảm xúc của mình. Để có tiền chơi game, nhiều vụ đã dẫn tới trộm cắp, thậm chí giết người.

Mặt tích cực: Chơi esports không thực sự xấu như mọi người vẫn nghĩ

Trái với những rủi ro ở trên, việc chơi esports đang dần được cả thế giới chấp nhận. Nhiều cuộc thi được tổ chức, vận động viên esports có nhiều người hâm mộ, được tài trợ và hướng dẫn bài bản. Điều này cho thấy chơi esports không thực sự xấu như nhiều phụ huynh Việt vẫn nghĩ.

Tác hại của esports chủ yếu thấy ở dân chơi nghiệp dư

Một vận động viên esports đã chia sẻ rằng người chơi nghiệp dư dễ gặp phải vấn đề về tâm lý, và thể chất hơn là người chơi chuyên nghiệp. Lý do là vì với người nghiệp dư, để trở thành tuyển thủ chính thức, họ phải trải qua kỳ huấn luyện khắc khổ. Họ phải sẵn sàng bỏ qua thời gian nghỉ ngơi, thói quen ngủ trong ngày và quên đi những tác hại có thể gặp phải vì họ cần luyện tập nhiều hơn nữa để tăng tốc độ thao tác. Đồng thời, vì esports còn mới mẻ, người chơi chưa có những hướng dẫn cụ thể và chương trình bài bản để ngăn các ảnh hưởng xấu của việc ngồi chơi quá lâu trong một môi trường đầy tính cạnh tranh.

Tuy nhiên, với người chơi chuyên nghiệp, theo như bài báo của Lagunas (2019), họ chỉ tập luyện khoảng 3-4 giờ một ngày nếu không phải trong giải đấu. Do đó, họ có đầy đủ thời gian để nghỉ ngơi, ngủ, tập thể dục cũng như tham gia các hoạt động xã hội. Tương tự, trong khảo sát của Lam và đồng nghiệp năm 2022, không có tương quan giữa thời gian chơi esports với chỉ số BMI (béo phì) cũng như thói quen hút thuốc lá và sử dụng cà phê, rượu bia. Hơn nữa, Singh và đồng nghiệp (2022) cũng đề cập tới việc nâng cao các biện pháp hữu ích giúp người chơi esports quản lý thời gian chơi cũng như nghỉ ngơi để tránh các tác hại không mong muốn. Ví dụ như, thay vì ngồi quá thường xuyên, vận động viên nên được đăng ký các khoá tập gym, khuyến khích bơi lội hoặc chạy bộ. Việc ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng cũng hết sức quan trọng để đảm bảo vận động viên đủ sức khoẻ tinh thần.

Như thế, với những lý lẽ trên, không phải esports lúc nào cũng là xấu cho sức khoẻ của người chơi. Bằng việc quản lý tốt thời gian và chăm sóc cơ thể khoẻ mạnh, người chơi esports hoàn toàn có thể tránh được các tác hại không tốt của việc chơi game.

Esports tốt cho quá trình phát triển của não bộ

Trong một nghiên cứu của Daphne Bavelier, một nhà thần kinh học nhận thức, một số trò chơi điện tử có ảnh hưởng tốt tới não bộ (đề cập trong bài báo của Lagunas (2019). Cụ thể, việc chơi game điều độ (trong khoảng 5-10 tiếng 1 tuần) kích thích trí não liên quan tới bộ nhớ, khả năng tập trung, thị lực, và kỹ năng lập kế hoạch chiến lược. Thậm chí, nhiều người còn có thể áp dụng được các chiến lược trong game vào thực tế hoặc dùng việc chơi game như một liệu pháp tâm lý.

 

esport tốt cho sự phát triển của não bộ

Esports tốt cho sự phát triển của não bộ nếu được chơi đúng cách (Nguồn: Haysiri)

 

TỔNG KẾT, Esports không phải một môn thể thao 100% tốt cho sức khoẻ nhưng cũng không phải 100% có hại cho người chơi. Nếu con cái thực sự đam mê môn thể thao này và có định hướng cũng như thời khoá biểu cụ thể cho việc chơi cũng như nghỉ ngơi và cân bằng các hoạt động khác trong cuộc sống, phụ huynh Việt Nam cũng không nên quá cấm đoán. Bởi esports sẽ hoàn toàn tốt cho con nếu được quản lý và kiểm soát có hệ thống.

 

Nguồn tham khảo:

Insider Intelligence (2023) Esports Ecosystem in 2023: Key industry companies, viewership growth trends, and market revenue stats, Tham khảo tại https://www.insiderintelligence.com/insights/esports-ecosystem-market-report/#: ~:text=In%20the%20year%202022%2C%20there%20were%20532%20million%20esports%20viewers%20worldwide.

Fortune (2022) esport market size, share & Covid-19 impact analysis, by streaming type, Tham khảo tại https://www.fortunebusinessinsights.com/esports-market-106820

Singh, P. và đồng nghiệp (2022) E-sports: What mental health professionals from low & middle-income countries must know. Tropical Health and Education Trust, 53(1), 1-10.

Lam, W. và đồng nghiệp (2022) Health Risks and Musculoskeletal Problems of Elite Mobile Esports Players: a Cross-Sectional Descriptive Study. Sports Medicine – Open, 8(65), 1-9.

Palanichamy, T. và đồng nghiệp (2021) Influence of Esports on stress: A systematic review, Industrial Psychiatry Journal, 29(2), 191-199.

Lagunas, K.M. (2019) Are esports good for your health? DW, Tham khảo tại https://www.dw.com/en/are-esports-good-for-your-health/a-47408527

 

0like
0 Bình luận
512 Đã xem
Share

Tham gia thảo luận

chat
Bạn hãy Đăng nhập để thảo luận

icon mặt cười

Bài viết được quan tâm

Xem thêm >>