Sức khoẻ

15/04/2023

“Tự sát” tăng cao ở người già bên Úc: Tình trạng đáng báo động

Có một sự thật đáng buồn là chúng ta dường như đang bỏ qua tình trạng trầm cảm và tự tử ở người già, những người từ 65 tuổi trở lên. Câu chuyện trầm cảm sau sinh của mẹ bỉm hay những áp lực thi cử của học sinh đủ “hot” trên mạng để chúng ta phải suy nghĩ. Nhưng có khi nào chúng ta giật mình tại sao những người đã trải qua biết bao thăng trầm của cuộc sống như cha mẹ già hay ông bà của mình lại cũng đang có kế hoạch tự tử? Tình trạng này đang tăng cao ở người già bên Úc và cũng nên là bài học cho Việt Nam.

Câu chuyện của Domenico Palmieri, một cụ ông đã quyết định chấm dứt cuộc đời ở tuổi 84

Một ngày của tháng 1 năm 2019, cụ ông Domenico Palmieri đã quyết định tự tử ở độ tuổi 84. Kỳ lạ là trước đó cụ không gặp bất cứ vấn đề gì về sức khoẻ hay tình cảm gia đình.

 

tự sát tăng cao ở người già bên úc

Cụ ông Domenico Palmieri trong một bức ảnh gia đình (Nguồn: Báo ABC News của Úc)

 

Hai cụ Domenico và Gelsomina là trụ cột của đại gia đình Palmieri. Đây là một gia đình vô cùng thân thiết. Họ tập trung ăn uống cùng nhau vào mỗi buổi tối thứ 6 hàng tuần và việc này đã trở thành truyền thống của gia đình. Hai cụ sẽ nấu bữa tối và đợi các con cháu trở về.

Cháu gái của cụ, cô Sian Palmieri chia sẻ về ông của mình là một người đàn ông có tâm hồn cao thượng. Ông được tất cả mọi người yêu quý. Lúc nào trên môi ông cũng nở nụ cười. Hàng xóm thường thấy ông trong khu vườn- là niềm tự hào và thú vui tuổi xế chiều của ông.

 

cụ ông domenico rất tự hào về ngôi vườn của mình

Cụ ông Domenico rất tự hào về khu vườn của mình (Nguồn: Báo ABC News của Úc)

 

Vì thế, đại gia đình cụ chưa bao giờ nghĩ rằng cụ lại chuẩn bị cho cái chết của mình trong một khoảng thời gian. Cụ luôn vui vẻ và cả gia đình vô cùng hoà thuận. Mọi người thực sự rất sốc khi biết tin cụ ông Domenico tự sát. Đó là ngày tồi tệ nhất của cả gia đình, nhất là với cụ bà.

Sự thật đáng buồn rằng việc tự sát ở người già luôn bị bỏ qua

Mặc dù thực tế tỉ lệ tự sát ở người lớn tuổi tại Úc thậm chí cao hơn các nhóm tuổi khác, tình trạng này thường xuyên bị bỏ qua. Cụ ông trên 85 tuổi có tỉ lệ tự tử cao gấp 3 lần con số trung bình trên cả nước. Cụ thể, ở bang Victoria, Úc, trong năm 2022, có 156 vụ tự sát là người già trên 65 tuổi, cao nhất trong các nhóm tuổi (ví dụ độ tuổi từ 45-54 có 155 người và 25-34 có 142 người).

Trái ngược với thực tế này, người dân và Chính Phủ Úc vẫn chưa có các biện pháp thích hợp để đối phó. Hầu hết các chính sách đều tập trung vào giảm thiểu tỉ lệ tử sát ở lứa trẻ. Kể cả các nghiên cứu về đời sống tinh thần và sức khoẻ của những người già cũng như lý do vì sao họ lại quyết định tự tử đều vô cùng hạn chế.

Vậy lý do vì sao?

Theo Nancy Gewargis, giám đốc điều hành một dự án nghiên cứu về người già và tình trạng tự sát của họ, giải thích rằng khi nhắc tới những vụ tử tự, xã hội thường không nghĩ tới người già đầu tiên. Đó là một vấn đề của phân biệt tuổi tác.

Mọi người, kể cả người thân của những người già đó, đều cho rằng trầm cảm là một phần của tuổi già. Không có bất cứ liệu pháp nào để giúp họ hết trầm cảm được. Trái ngược với người trẻ có cả tương lai ở phía trước, người già chỉ đang cận kề cái chết. Vì thế, liệu pháp tâm lý để khích lệ hay động viên họ cố gắng cho tương lai đều là vô nghĩa.

Một lý do khác là người trẻ thường được quan tâm nhiều hơn người già. Chúng ta chỉ đơn giản chăm sóc cha mẹ hay ông bà già vì sức khoẻ chứ không phải vì tinh thần của họ. Con cháu cho rằng ông bà, cha mẹ đã trải qua đủ những thăng trầm trong cuộc sống, vì thế, họ mạnh mẽ và không bị tác động bởi những điều tiêu cực xung quanh.

Tuy nhiên, thực tế không phải vậy.

Tại sao người già lại lựa chọn tự sát?

Theo Nancy Gewargis, nguyên nhân lớn nhất khiến những người già lựa chọn tự sát là nỗi buồn và cảm giác mất mát.

Đó không chỉ là nỗi buồn mất mát người thân, như sự ra đi của con cháu, mà còn là nỗi buồn về thời gian khi không đủ sức khoẻ và khả năng để tự chăm sóc bản thân hoặc làm mọi việc như trong quá khứ. Nhiều người già bị gia đình bỏ lại ở chùa, viện dưỡng lão và họ cảm thấy như mình đang bị bỏ rơi, mất đi người thân và mất đi căn nhà, tổ ấm của chính mình.

Kể cả khi sức khoẻ của họ không quá tệ, họ vẫn cảm thấy bản thân vô dụng. Và điều khó khăn là con cháu không thể phát hiện được nỗi lòng của họ vì với con cháu, việc bố mẹ hay ông bà già yếu không thể đi bộ lâu, mang vác vật nặng hay vui chơi, chạy nhảy như thời trẻ là một điều hết sức bình thường. Có điều trong lòng của người già thì lại không nghĩ như vậy.

Nam giới thường dễ tự sát hơn nữ giới

Các cụ ông có xu hướng tự sát cao hơn các cụ bà. Theo Kylie King, một nhà nghiên cứu tại Úc, các cụ ông có cảm giác mình là gánh nặng của con cháu, của xã hội. Họ ít nói và không dễ bộc lộ cảm xúc. Vì thế các dấu hiệu tự tử ở họ rất khó để phát hiện kịp thời.

Chúng ta cần làm gì?

Cũng như cách chúng ta dễ dàng bỏ qua việc tự sát ở người già, chúng ta luôn cảm thấy rất khó khăn khi đối phó với tình trạng này. Công việc và con cái khiến mỗi người đều ngập trong những nỗi lo. Và khi đó, cha mẹ, ông bà không còn là ưu tiên nữa.

Tuy nhiên, có một số điều chúng ta có thể làm được để giảm thiểu tỉ lệ tự sát ở người già. Một trong số đó là thay đổi suy nghĩ rằng trở nên vô dụng là tất yếu của tuổi già. Thay vì chấp nhận, chúng ta hãy thử khiến cha mẹ, ông bà của mình cảm thấy có ích theo một cách nào đó. Ví dụ như trồng rau, nuôi cá hoặc dạy mọi người chụp ảnh để chia sẻ cuộc sống của mình trên mạng. Những lời khen ngợi, sự yêu thích và động viên của người khác có thể là liều thuốc bổ đối với đời sống tinh thần của người già.

TỔNG KẾT, tuy đây là câu chuyện của một cụ ông bên Úc, người Việt chúng ta cũng nên tự nhìn nhận lại và quan tâm nhiều hơn tới vấn đề tự sát và trầm cảm ở người già. Họ không chỉ cần được chăm sóc bữa ăn thức uống mỗi ngày, mà còn cần tự làm gì đó để thấy bản thân không vô dụng.

 

>> Xem thêm: Trí nhớ của chúng ta liệu có nhầm lẫn chỉ sau vài giây?

 

0like
1 Bình luận
177 Đã xem
Share

Tham gia thảo luận

chat
Bạn hãy Đăng nhập để thảo luận

icon mặt cười

Bài viết được quan tâm

Xem thêm >>