Du lịch Việt Nam
23/04/2023
Vườn quốc gia Ba Vì chỉ cách trung tâm thành phố Hà Nội hơn 60km. Với khung cảnh núi đồi hùng vĩ, hoang sơ và rừng cây xanh mát, đây là một điểm đến ưa thích của các bạn trẻ và gia đình. Liệu cuối tuần hay dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 này có phù hợp để dành một ngày tham quan và cắm trại tại vườn quốc gia Ba Vì hay không?
Vườn quốc gia Ba Vì được thành lập năm 1991. Hiện nay, tổng diện tích vườn lên tới 9,702ha. Nằm trên dãy núi Ba Vì thuộc huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội, cách trung tâm thành phố khoảng 50km.
Cảnh vật ở vườn quốc gia Ba Vì (Nguồn: Website vườn quốc gia Ba Vì)
Theo thống kê, vườn quốc gia Ba Vì hiện có hơn 2,100 loài cây gỗ, hơn 500 cây thuốc, 65 loài thú, 194 loài chim, 61 loài bò sát, 27 loài lưỡng cư và 552 loài côn trùng.
Có nhiều phương tiện để tới vườn quốc gia Ba Vì. Nếu đi bằng phương tiện cá nhân như ô tô chỉ mất chưa tới 1h. Đi xe máy cũng khá tiện để phượt trong vườn quốc gia. Tuy nhiên, xe du lịch trên 30 chỗ chỉ lên tới cốt 400m- một điểm trong vườn quốc gia.
Sơ đồ vườn quốc gia Ba Vì (Nguồn: Website vườn quốc gia Ba Vì)
Như thế, với các xe từ 30 chỗ sẽ dừng ở bãi xe cốt 400m, xe sẽ không lên tiếp được tới các điểm khác như nhà thờ cổ, khu trại hè thời Pháp và Đỉnh Tản Viên. Vì thế, nếu đi đoàn ít người hoặc xe máy có thể di chuyển được nhiều hơn trong vườn quốc gia mà không phải đi bộ. Nếu thuê taxi sẽ khoảng 590k xe 5 chỗ 1 chiều, 2 chiều 1,2tr.
Ngoài ra, bạn có thể đi xe bus với tuyến 214 từ bến xe Yên Nghĩa hoặc 71/74 từ Mỹ Đình tới điểm cuối Xuân Khanh (giá vé khoảng 9k). Sau đó bắt taxi hoặc xe ôm tới vườn quốc gia Ba Vì cách khoảng 10km. Hoặc đi tiếp xe buýt tuyến 110 từ Xuân Khanh dừng ở điểm vườn quốc gia Ba Vì, vé cũng 9k.
Vườn quốc gia mở cửa cả ngày. Vì thế nếu mọi người muốn cắm trại đêm trong vườn quốc gia đều có thể mang thêm lều trại và đồ ăn.
Thời điểm đẹp nhất để đi vườn quốc gia Ba Vì là vào ngày có nắng vì nếu trời mưa hoặc âm u thì vào rừng sẽ hơi ảm đạm, và có nhiều sương mù. Ngoài ra tầm cuối tháng 11-12 là mùa hoa dã quỳ rất đẹp.
Bảng giá vé vào vườn quốc gia Ba Vì (Nguồn: Website vườn quốc gia Ba Vì)
Vé người lớn là 60k, người già (đủ 60 tuổi trở lên) và khuyết tật giảm 50%. Sinh viên 20k và học sinh 10k.
Phí trông giữ xe với xe đạp là 3k, xe máy là 5k ban ngày và 8k ban đêm. Ô tô miễn phí 1h đầu tiên. Từ giờ thứ 2 bắt đầu tính phí, cụ thể với ô tô con là 25k trong 2 giờ đầu, 35k trong 3-4 giờ kế và 45k từ 5h trở đi (kể cả qua đêm). Có hai điểm trông giữ xe là ở cốt 400 và cốt 1,100.
Ngoài ra, các dịch vụ khác như:
Nếu đi xe ô tô cá nhân thì mất khoảng 60p để tới vườn quốc gia Ba Vì. Đường đi khá dễ, nhưng nếu đi vào mùa mưa thì cũng cần lưu ý. Nếu đi xe buýt hoặc taxi thì có thể thuê xe máy của người dân đối diện nơi bán vé khoảng 200k 1 xe.
Cổng chào vườn quốc gia Ba Vì (Nguồn: Internet)
Từ cổng vào ô tô hoặc xe máy có thể tới thẳng cốt 400. Đỗ xe ở đó và chụp ảnh hoặc tham quan các điểm như rừng hoa dã quỳ (cuối tháng 11-12 mới có hoa nở), động Ngọc Hoa, và suối Ngọc Hoa.
Mùa hoa dã quỳ ở Ba Vì (Nguồn: FB Vườn quốc gia Ba Vì)
Vườn hoa dã quỳ ở ngay chân núi Ba Vì. Từ cổng bán vé đi một đoạn là tới.
Sơ đồ tuyến tham quan vườn hoa dã quỳ (Nguồn: Website Vườn quốc gia Ba Vì)
Tuy nhiên, để ngắm hoa dã quỳ được đẹp nhất và vắng thì mọi người nên sắp xếp đi vào đầu tuần hoặc giữa tuần. Cuối tuần riêng mua vé đã phải xếp hàng hơn 30 phút, mà đông người nên khó để thấy hết vẻ đẹp của vườn hoa.
Từ cổng vào là vườn xương rồng.
Nhà kính vườn xương rồng (Nguồn: FB Lê Thu Huế)
Vé vào vườn xương rồng là 10k-15k 1 người. Ở gần chỗ đỗ xe cốt 400. Có hơn 1,200 loài xương rồng từ mini tới khổng lồ. Kiến trúc ngôi nhà kính mái vòm lên ảnh khá độc đáo.
Khu vực đồi thông (Nguồn: FB Đi để trải nghiệm)
Trên vườn xương rồng là đồi thông. Khu vực đồi thông ở cốt 400 là điểm mà nhiều bạn cắm trại, tổ chức ăn uống picnic. Hiện nay thu phí 15k 1 người ban ngày, 30k 1 người cắm trại qua đêm (ngày trong tuần) hoặc 25k ban ngày và 50k qua đêm dịp cuối tuần. Phí này giúp vườn quốc gia có thể vệ sinh, thu gom rác, cắt cỏ, phun thuốc diệt côn trùng và chăm sóc bãi cỏ xanh.
Thu phí cắm trại, vệ sinh tại đồi thông coste 400 (Nguồn: FB Chu Soyoung)
Với khoản phí này thì thực ra không quá cao. Đổi lại, đồi thông luôn sạch và đẹp, nhà vệ sinh cũng được xây sửa lại sạch sẽ hơn. Có 2 cổng chính đi vào đồi thông, có thể thu vé luôn nếu cắm trại. Không thì nhân viên sẽ tới thu sau.
Vào mùa xuân khoảng đầu tháng 2 mọi người có thể tới coste 600 ngắm hoa anh đào nở rất đẹp. Cách cổng vào 9km.
Ngắm hoa anh đào tại coste 600 (Nguồn: FB Patrick Phuong)
Khu vực coste 600 này cũng có một resort nổi tiếng là Melia Ba Vi.
Melia Ba Vi (Nguồn: Website Melia Ba Vi)
Melia Ba Vi là một resort đắt đỏ. Một đêm phòng premium lên tới 5,4tr. Nhưng bù lại, nơi đây có quang cảnh và không gian thiên nhiên tuyệt vời.
Ngoài cốt 400, nhiều người cũng dừng lại cắm trại ở cốt 800. Trên này dù ngày hè nắng nóng nhưng vẫn vô cùng mát mẻ. Có điều đầu hè sẽ có nhiều sâu róm, rơi đầy trên đất và cả ong. Bảo vệ ở đây thu phí khoảng 20k công dọn dẹp và phát túi bóng đen để bỏ rác nếu gia đình nướng đồ. Ở đây vắng hơn dưới cốt 400. Có điểm tham quan nhà thờ đổ và khu trại hè thời Pháp.
Nhà thờ đổ (Nguồn: FB Thuỳ Linh)
Khu vực nhà thờ đổ nếu với nhiều người thì là một điểm sống ảo đẹp thì có người lại thấy rất giống phế tích, ẩm thấp, chật chội và không còn đẹp. Điểm cắm trại không bằng phẳng, nhiều muỗi và ruồi nhặng. Tuy nhiên, nơi đây khá yên bình, vắng vẻ, thích hợp với người ngồi thiền, tắm rừng và đi bộ. Màu bạc tường đá, màu xanh rêu phủ, màu xanh rừng già và màu vàng nắng sớm có chút lãng mạn, nguyên sơ. Nhưng qua đêm sẽ hơi vắng lặng, không phù hợp cho các bạn nhỏ (trừ khi ở trong Melia Ba Vi) vì nhà vệ sinh khá bất tiện. Tuỳ từng thời điểm và nhà thầu có thể thu phí 5k vào nhà thờ đổ.
Trong vườn quốc gia Ba Vì có điểm suối thác Ngọc Hoa khá đẹp (vẫn thuộc coste 400), nhưng đường đi rất vất vả, đi bộ xuống phía dưới khoảng 1,000 bậc thang. Dọc đường đi cũng có những điểm suối nhỏ để trẻ con vầy.
Suối Ngọc Hoa (Nguồn: Website Vườn quốc gia Ba Vì)
Quãng đường trekking khoảng 2km, vào những ngày đẹp trời khá phù hợp với các gia đình. Tuy nhiên, trời mưa thì đường khá trơn trượt và có thể gặp rắn rết hoặc ong.
Sau đó đi tiếp xe máy hoặc ô tô con lên cốt 1100. Có điểm tham quan đền Thượng và đền thờ Chủ tịch. Ở đây có nhà hàng và quán café với view rất đẹp.
Một góc check-in ở quán café trên đỉnh núi, đi hết đường xe máy, khu vực cốt 1100 (Nguồn: FB Ly Ly)
Quán May Coffee ở ngay chân đền Thượng.
Từ cốt 400 tới đền Thượng ở bên phải là khoảng 12km, nhiều đoạn dốc và cua.
Bên trong đền Thượng (Nguồn: FB Đền Mẫu Thượng Bavi)
Rất nhiều người chọn đưa lễ và dâng hương ở đền Thượng, cầu mong một năm mới tốt lành. Vào tháng 2-3 có mùa hoa đỗ quyên nở rộ ở khu vực đền Thượng. Nhưng cần leo khoảng 600 bậc thang mới lên tới nơi. Bậc thang cao nên khá mệt. Trẻ nhỏ sẽ cảm thấy hơi nản. Có điều tới nơi thì cảnh rất đẹp.
Ở đền Thượng có dịp trong ngày nắng cũng có thể săn mây rất đẹp, nhưng cần đến sớm, muộn nhất cũng tầm 7h sáng.
Đến thăm đền Bác Hồ ở phía tay trái thì cũng cần đi bộ, thậm chí còn tới 1,200 bậc thang, nhưng thấp hơn bên đền Thượng và đi một đoạn có điểm dừng chân. Cảnh rất đẹp, có thể bắt được mây nếu đi sáng sớm.
Đền thờ Bác Hồ (Nguồn: Website Vườn quốc gia Ba Vì)
Đền thờ Bác được khởi công xây dựng năm 1999, kỷ niệm 30 năm ngày mất của Bác. Tượng Bác đúc bằng đồng đỏ nguyên chất theo tỉ lệ 1:1.
Gần đó là tháp Báo Thiên được xây dựng năm 2010 có 13 tầng, cao 26,9m và thiết kế theo 4 phương, 8 hướng với tổng diện tích sàn 100m2.
Tháp Báo Thiên (Nguồn: FB Tuấn Việt)
Lưu ý là càng lên cao thì càng dễ gặp rắn, trăn, rết, sâu to và ong. Thời tiết xấu thì cây đổ, đá lăn và sập tường của các phế tích cũng có thể gặp. Điểm an toàn nhất là coste 400 chỗ đồi thông.
+ Không gian rộng rãi, nhiều bóng cây xanh mát, nhiều điểm chụp ảnh sống ảo và hoạt động săn mây.
+ Thời tiết mát mẻ, trong lành, thích hợp cho việc hoà mình vào thiên nhiên và hoạt động ngoài trời. Nhiệt độ ở coste 800 thấp hơn thành phố khoảng 10 độ.
+ Thích hợp với các hoạt động trải nghiệm của các bạn nhỏ, ngắm rừng cây, cắm trại, picnic.
+ Trẻ nhỏ rất thích cắm trại vì được nhặt củi, tìm bọ que, nhặt lá,..
+ Mùa hè tới vườn quốc gia Ba Vì rất mát, mùa đông tháng 11-12 thì có hoa dã quỳ nở rất đẹp. Mùa xuân có hoa anh đào và giáp hạ có hoa đỗ quyên, hoa lan.
+ Nếu đi ô tô riêng hoặc xe máy thì trên đoạn đường đi lên đỉnh, có cảnh đẹp bạn có thể dừng lại để chụp. Lưu ý cần tìm điểm đỗ xe phù hợp, không ảnh hưởng tới người khác hoặc tránh các chỗ có biển cấm.
- Nhà vệ sinh khó tìm, không sạch sẽ cho lắm, nhiều khi không có giấy hoặc hết nước.
- Ngày chủ nhật rất đông, hàng mua vé rất dài. Dịch vụ đặt vé online của vườn quốc gia Ba Vì thì không ổn lắm, không vào được web. Thời điểm đông người thì mua vé cũng mất rất nhiều thời gian mà chụp ảnh cũng không đẹp.
Những ngày tắc đường ở vườn quốc gia Ba Vì (Nguồn: FB Như Quỳnh Trang Điểm)
- Có một bất cập ở vườn quốc gia Ba Vì là các khoản phí thu không có biển đề giá công khai và tuỳ từng nhà thầu lại có mức thu khác nhau. Ví dụ như vào vườn xương rồng bình thường phí 10k, có người bị thu 20k. Check-in nhiều điểm miễn phí, có bạn lại bị thu 20k. Hoặc phí cắm trại thì có người thu 15k ban ngày, có người 10k, có người 20k.
- Hôm nào đông người mà có đoàn mang loa kéo vào thì cực kỳ ồn và khó chịu (chủ yếu vào cuối tuần và ngày lễ).
- Tuỳ từng ngày và thời tiết mà sẽ có thời điểm có rất nhiều ruồi khiến bữa cắm trại không được hoàn hảo cho lắm.
- Đầu hè vào rừng rất dễ bắt gặp sâu róm và ong.
- Qua đêm trong vườn quốc gia khá bất cập vì không điện, không nước, thậm chí nếu cắm ở xa thì không nhà vệ sinh.
Nhiều đoạn cua khá dốc và hẹp trong vườn quốc gia Ba Vì (Nguồn: FB Vườn quốc gia Ba Vì)
Sương mù dày đặc trên đường lên đền Thượng (Nguồn: FB Danny Tran)
Bảng giá tham khảo dịch vụ cắm trại tại coste 400 (Nguồn: FB Minh Phương)
TỔNG KẾT, nếu chưa từng tới vườn quốc gia Ba Vì thì mọi người nên sắp xếp một ngày tới đó để cảm nhận thiên nhiên tươi đẹp, núi đồi hùng vĩ và quang cảnh rất xanh mát ở đây. Dựa vào bài viết này, mọi người có thể chọn cho mình địa điểm phù hợp để tới. Nếu đi ít tiếng và có trẻ em quá bé thì mọi người có thể dừng luôn ở coste 400. Nếu đi phượt thì lên hẳn đỉnh. Thắp hương dâng lễ thì lên đền Thượng. Nếu cắm trại qua đêm mà có trẻ nhỏ thì tốt nhất là ở đồi thông. Lưu ý, ngày cuối tuần và dịp lễ rất đông đúc nên trải nghiệm núi rừng hoang sơ có thể sẽ không được trọn vẹn lắm.
>> Xem thêm: Du lịch Thiên Sơn Suối Ngà - Medi Thiên Sơn có vui không? Review cập nhật tháng 4/2023