Nghỉ lễ 30/4-1/5 này cho bé đi trải nghiệm vườn quốc gia Cúc Phương: Review mới nhất tháng 4/2023

Các bé lớn lên không chỉ bằng kiến thức trong sách vở mà còn bằng những trải nghiệm của chính mình. Vì thế, dịp nghỉ lễ này hoặc tới mùa hè, cha mẹ hãy thử cho con tới khám phá vườn quốc gia Cúc Phương tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Đôi khi cha mẹ sẽ phát hiện con kiên trì và dẻo dai hơn mình tưởng khi có thể tự leo núi tới thăm một số điểm tham quan trong rừng. Như em bé gần 5 tuổi trong bài viết cũng rất giỏi khi đi bộ 3km tới thăm cây chò ngàn năm.

 

du lịch rừng quốc gia cúc phương

Nghỉ lễ 30/4-1/5 này cho bé đi trải nghiệm vườn quốc gia Cúc Phương: Review mới nhất tháng 4/2023

Cần chuẩn bị những gì?

Quan trọng nhất là sức khoẻ vì không phải như nghỉ dưỡng, tham quan vườn quốc gia là một trải nghiệm “khá tốn sức”. Với các bạn nhỏ, nhất là khoảng 4-5 tuổi, trước khi quyết định cho con đi chơi, cha mẹ nên để ý xem con có đủ sức khoẻ không. Nếu bé có hiện tượng ốm sốt, đau bụng hoặc dị ứng thì cha mẹ cần hoãn chuyến đi lại.

Ngoài ra, một số vật dụng cá nhân khá cần thiết khi “đi dạo” trong rừng là:

  • Giầy thể thao: không thể thiếu cho một chuyến trekking.
  • : có một số đoạn có nắng nên cần mũ, nhưng thực ra đi trong rừng được bao phủ bởi cây nên cũng khá râm mát.
  • Quần áo thoải mái: mục đích của quần áo dài tay là để phòng tránh vắt và muỗi rừng. Trong rừng muỗi khá to, nhưng nếu vào thời tiết khô, nắng (không nồm ẩm hay mưa) thì mọi người vẫn có thể mặc đồ ngắn tay vì tỉ lệ gặp vắt không quá cao. Tuy nhiên, cần mặc đồ thoải mái hết sức có thể, tránh mặc váy hay áo dài vì đi rừng sẽ rất khó khăn. Quần cũng không nên bó sát quá.
  • Balo: leo núi thì balo là vật dụng rất hữu ích vì có thể đựng được nhiều đồ mà đeo vai sẽ tiện hơn là túi xách của phụ nữ. Trong balo nên để sẵn nước lọc, sữa tươi cho bé, khăn ướt, giấy lau tay, thuốc xịt muỗi, băng gạc và đồ ăn nhẹ như bánh mỳ nếu cần. Lưu ý, nước lọc và khăn ướt rất cần thiết cho chuyến đi của gia đình. Khi đi rừng dễ bị mệt và nóng, các bạn chuẩn bị sẵn khăn ướt để lau mặt, lau người cho thoải mái. Nước lọc uống khi mệt.
  • Đồ ăn picnic: Gia đình có thể chuẩn bị thêm đồ ăn cho một chuyến cắm trại nhỏ ở khu trung tâm Bống. Như review trong bài viết, gia đình mang cơm nắm, xôi trắng với muối vừng, ruốc bông. Đồ uống là nước dâu hoặc sữa cho em bé. Mang thêm trái cây, giấy báo để kê, dao, giấy ăn, và bao tay để sử dụng luôn.

Nếu gia đình tự đi bằng xe nhà thì có thể mang thêm nhiều vật dụng, đồ ăn uống khác, cả thảm trải cho chuyến picnic.

Nên đi vườn quốc gia Cúc Phương khi nào?

Đi rừng nên đi vào mùa khô, khoảng từ tháng 12 đến tháng 5. Tuy nhiên, đợt này ở miền Bắc cũng ít mưa phùn, mưa dông vào mùa đông nên mọi người có thể chọn ngày có nắng là được. Tuyệt đối không nên đi vào ngày mưa vì đường trơn, dốc và âm u sẽ rất khó đi. Ngày mưa cũng nhiều vắt và muỗi hơn.

Đặc biệt, nếu đi tầm cuối tháng 4 đầu tháng 5, du khách có thể ngắm được cả “rừng bươm bướm” rất đẹp đậu ở ven đường.

 

bướm ở rừng quốc gia cúc phương

Ngắm bướm ở vườn quốc gia Cúc Phương (Nguồn: Internet)

Đi tới Cúc Phương bằng phương tiện gì?

Cúc Phương ở Ninh Bình cũng không quá xa so với Hà Nội nên gia đình có thể tự đi xe máy hoặc ô tô hoặc xe khách. Có nhà xe Hà Phương Limousine xuất phát 8:30 từ Hà Nội đi Nho Quan giá vé 100k hoặc Quang Anh Limousine xuất phát lúc 5:40 giá 130k. Nếu gia đình tự đi ô tô thì có thể chọn cung đường qua Bái Đính, Ninh Bình mặc dù xa hơn nhưng có thể ngắm được nhiều cảnh đẹp, sông núi hai bên.

 

cung đường vào rừng cúc phương

Cung đường tới vườn quốc gia Cúc Phương rất đẹp, núi đồi hùng vĩ (Nguồn: Haysiri)

Review lịch trình đi trải nghiệm với em bé hơn 4 tuổi

Đi vườn quốc gia Cúc Phương có thể đi từ sáng sớm với học sinh sinh viên hoặc người lớn. Nếu xuất phát tầm 5h tới rừng là có nhiều thời gian tham quan từ sớm. Nhưng do gia đình có bé nhỏ 4-5 tuổi nên cũng đi khá muộn.

Nơi nghỉ

Nếu dự kiến đi Ninh Bình nhiều ngày mọi người có thể thuê khách sạn, resort hoặc homestay. Nếu chỉ ở quanh quanh Cúc Phương thì gia đình có thể thuê ngay nhà nghỉ ở trong vườn quốc gia luôn hoặc Cúc Phương Resort & Spa hoặc Vedena Resort ngay gần cổng vườn. Nhưng nếu gia đình chỉ dừng chân ở Cúc Phương trong ngày (không có nhu cầu ở lại để ngắm đom đóm) và sẽ tới thăm các điểm tham quan khác ở Ninh Bình như chùa Bái Đính, Hang Múa hoặc Tràng An thì nên thuê luôn homestay hoặc khách sạn ở gần khu Hang Múa. Các điểm như Bái Đình hoặc Hang Múa cách cổng vườn khoảng 30km.

 

Khách sạn/Resort/Homestay

Giá phòng 2 người lớn 1 em bé 4-5 tuổi

Giá phòng 4 người lớn + 1 em bé 4-5t

Cuc Phuong Resort & Spa

Khoảng 1,2tr (có ăn sáng)

Khoảng 2,3tr (có ăn sáng)

Wyndham Grand Vedena Resort

Từ 2,8-3,6tr với phòng khách sạn.

Bungalow khoảng 6,8tr.

Khoảng 5,8tr

Căn hộ khoảng 15,8tr (8 người lớn).

Hang Mua Ecolodge

Từ 1-1,5tr

Cuối tuần phụ thu 250k

Có ăn sáng và vé vào khu du lịch Hang Múa

1,5tr-2tr (2tr có bể bơi riêng). Villa 12 người 6tr. Phụ thu cuối tuần 250k.

Có ăn sáng và vé vào khu du lịch Hang Múa

Homestay quanh Hang Múa hoặc Bái Đính

Khoảng 400-500k cho phòng 2 người có ăn sáng

Khoảng 700-850k cho phòng 4 người có ăn sáng

Hotel/ nhà nghỉ

Khoảng 300k

Khoảng 400k

Phòng nghỉ tại Cúc Phương (Khu cổng vườn)

250k-350k-500k-800k cho phòng loại 4,3,2,1. Cuối tuần phụ thu 50k-200k tuỳ loại phòng.

Nhà sàn dùng chung nhà vệ sinh, nước nóng, quạt. 100-170k 1 ngày. Cuối tuần phụ thu 30k.

Phòng nghỉ tại Cúc Phương (Khu hồ Mạc)

350-500k. Cuối tuần là 400-600k.

Nhà sàn tập thể cho đoàn sinh viên, học sinh là 1,2-1,5tr.

Phòng nghỉ tại Cúc Phương (Khu trung tâm Bống)

Phòng nghỉ đơn giản: 320k (cuối tuần 400k)

Căn hộ riêng biệt: 450k (cuối tuần 500-700k)

Nhà sàn tập thể 1,2-1,5tr.

Một số địa điểm nghỉ lại khi đi du lịch Cúc Phương (Nguồn: Haysiri)

 

Lưu ý nhỏ là phòng nghỉ tại trung tâm Bống điện chỉ có 4h vào buổi tối.

Với các em bé nhỏ sợ tối hoặc cha mẹ cần làm việc thì nghỉ tại rừng khá bất tiện vì sẽ không có sóng điện thoại. Do đó nếu muốn trải nghiệm buổi sáng thức dậy ở rừng, ngắm bướm, buổi tối ngắm đom đóm thì có thể ở khu vực cổng vườn.

Ăn gì ở đâu?

Ngay trong vườn quốc gia Cúc Phương cũng có chỗ ăn tuy nhiên đồ ăn ở khu hồ Mạc nhiều người review là không ngon.

 

nhà hàng ở khu hồ mạc rừng cúc phương

Nhà hàng ở khu hồ Mạc (Nguồn: FB Nguyễn Huy Hoan)

 

Nếu có sự chuẩn bị, gia đình có thể mang đồ ăn như đi picnic với cơm nắm muối vừng, xôi trắng với ruốc bông, giò chả,.. Ở ngay trung tâm Bống, chỗ để xe có nhiều chỗ rợp bóng cây, khá mát mẻ để trải thảm và mọi người ngồi lại ăn uống, nghỉ ngơi cùng nhau.

 

mang đồ ăn picnic ở rừng cúc phương

Mang đồ ăn picnic ngay tại vườn quốc gia Cúc Phương, Ninh Bình (Nguồn: Haysiri)

 

sân khu trung tâm bống cúc phương

Sân của khu trung tâm Bống, vườn quốc gia Cúc Phương, Ninh Bình (Nguồn: Haysiri)

 

Nhà vệ sinh thì đi qua sân tới phía vườn rau. Hiện nay nhà vệ sinh tại Cúc Phương khá sạch sẽ, không mùi. Vì thế, nếu ăn picnic thì mọi người cũng không cần quá lo lắng về chỗ rửa ráy. Tuy nhiên, ở bên nhà vệ sinh nữ thì nước rửa tay chạy rất chậm và đi vệ sinh xong cần múc nước trong xô để xả.

Ngoài ra, nếu gia đình đi chơi Cúc Phương từ sớm thì tầm trưa là xong, có thể về đoạn Hang Múa, Tràng An thưởng thức đặc sản dê núi. Một số nhà hàng dê núi ngon, có view đẹp là Chính Thư và Dũng Phố Núi. Giá cả cũng khá mềm.

 

thực đơn dê núi nhà hàng chính thư

Thực đơn nhà hàng Chính Thư, Hoa Lư, Ninh Bình (Nguồn: Haysiri)

 

Gia đình 4 người lớn ăn khoảng 600k là đầy đủ. Đi Ninh Bình thì mọi người nên gọi tiết canh dê để thử, dê tái chanh, dê xào lăn (xào xả ớt), dê hấp tảng và đừng quên món cơm cháy + sốt rất ngon. Dê rượu mận cũng khá ngon. Món ăn lên đầy đặn, nhiều thịt, không độn quá nhiều.

 

món cơm cháy nhà hàng chính thư

Món cơm cháy ở nhà hàng Chính Thư (Nguồn: Haysiri)

 

Theo như một số người đã đi ăn nhiều lần ở Ninh Bình thì Chính Thư có cơm cháy ngon hơn bên Dũng Phố Núi nhưng Dũng Phố Núi có thịt dê ngon hơn. Dù chọn nhà hàng nào thì gia đình cũng đừng bỏ lỡ đặc sản dê núi Ninh Bình nhé.

Hành trình trải nghiệm leo núi đi rừng của bạn nhỏ 4-5 tuổi

Đến cổng vườn, các xe sẽ dừng lại để mua vé.

  • Vé người lớn: 60k
  • Học sinh, sinh viên: 20k
  • Em bé 4 tuổi thì miễn phí
  • Vé gửi xe ô tô 4 chỗ: 20k (xe sẽ đỗ ở khu trung tâm Bống hoặc chỗ đỗ xe nếu có trên đường)

 

trung tâm du khách cổng cúc phương

Trung tâm du khách ở cổng vườn, dừng lại để mua vé (Nguồn: Haysiri)

 

lối lên mua vé vào rừng cúc phương

Lối lên mua vé (Nguồn: Haysiri)

 

Ngay cổng vườn có bản đồ tham quan rừng, mọi người có thể chụp lại hoặc lúc mua vé lấy tờ bản đồ có các tour tham quan ở chỗ bán vé.

 

sơ đồ thăm quan rừng cúc phương

Sơ đồ tham quan vườn quốc gia Cúc Phương (Nguồn: Haysiri)

 

Thực ra dù không có bản đồ thì mọi người cũng không cần quá lo lắng vì khi đi trong rừng cũng có biển chỉ dẫn và gần như chỉ có một cung đường thì mình cứ thế đi thôi.

Từ cổng chào phải đi khoảng 7-9km nữa mới tới khu trung tâm Bống. Lúc này thì điện thoại bắt đầu mất sóng vì thế định vị trên ô tô cũng không nhìn được nữa.

Tới khu trung tâm Bống, xe ô tô sẽ dừng lại. Mọi người có thể đi vệ sinh và chuẩn bị nước, khăn ướt cho vào balo, bắt đầu hành trình đi rừng.

Như ở sơ đồ tham quan cũng không còn vị trí tham quan cây chò ngàn năm nữa vì thực tế “cụ chò” đã bị mục vài năm về trước. Tuy nhiên, vì cây chò ngàn năm được coi là linh hồn của Cúc Phương và mục tiêu của gia đình chỉ là trải nghiệm đường rừng nên mọi người vẫn đi theo cung đường đó. Trên đường đi có thể rẽ theo biển chỉ dẫn để tham quan các điểm khác như động Sơn Cung hoặc quần thể các cây chò chỉ.

 

biển chỉ dẫn cây trò ngàn năm

Biển chỉ dẫn cây chò ngàn năm (thực ra đã chết) và quần thể 5 cây chò chỉ (Nguồn: Haysiri)

 

Đoạn đường từ trung tâm Bống tới cây chò ngàn năm khoảng 3km. Chỉ có 2 chỗ nghỉ ở gần cây chò (khoảng 700m).

 

cây chuối ở cúc phương

Cây chuối trong rừng quốc gia Cúc Phương (Nguồn: Haysiri)

 

Từ đầu đường đi khá bằng phẳng, nên mọi người có thể cho bé chụp nhiều ảnh đẹp vì lúc ấy còn chưa mệt và tinh thần còn vô cùng hăng hái.

 

không khí mát mẻ trong rừng cúc phương

Không khí trong rừng mát mẻ, tuy nhiên càng vào sâu sẽ càng âm u (Nguồn: Haysiri)

 

Cảm nhận không khí trong rừng vô cùng thoải mái. Dù là giữa trưa 13h nhưng nhiệt độ vẫn mát mẻ và nhiều tán cây nên không thấy nắng. Tuy nhiên, những đoạn này cũng không có chỗ nghỉ chân nên chỉ có thể tận hưởng không khí trong lành bằng cách “đứng ngắm và hít thở” thôi.

 

cung đường nhiều đoạn lên dốc khó đi

Cung đường có nhiều đoạn lên dốc và khó đi (Nguồn: Haysiri)

 

Càng đi vào sâu trong rừng thì cung đường càng dốc và khó đi hơn. Vì thế nếu đi vào mùa mưa sẽ cực kỳ khó khăn, có nhiều đoạn đường rất nhỏ, trơn, có đoạn thì cây đổ chắn đường. Bạn nhỏ 4-5 tuổi khi đi qua những đoạn khó thì ông phải bế qua. Nên bổ sung nước liên tục cho các bé nhỏ và cả người lớn để đỡ mệt.

 

bỏ rác vào gốc cây

Nếu có rác, nhớ bỏ vào các hốc cây như này nhé (Nguồn: Haysiri)

 

Nếu có vỏ hộp sữa hoặc khăn giấy, mọi người đừng vứt luôn ra đường đi mà hãy tìm những hốc cây như ảnh để bỏ rác vào, giúp bảo vệ môi trường.

 

cây trò ngàn năm đã chết

Cây chò ngàn năm giờ đã “già yếu” đi rất nhiều (Nguồn: Haysiri)

 

Đến đoạn cây chò ngàn năm thì đã “hoang tàn”. Cây cối mọc rất nhiều và có biển cảnh báo không nên leo trèo hay chạm vào vì cây đã mục. Đoạn này thì mọi người cũng khá thất vọng vì tưởng tượng cây rất to. Nhưng chinh phục được quãng đường 3km đi đường rừng cũng đã là một thành tựu, nhất là đối với bé nhỏ 4-5 tuổi.

 

đường về có nhiều đoạn xuống dốc

Đường về xuống dốc nhiều hơn nên đi cũng nhanh hơn (Nguồn: Haysiri)

 

Đường về thì trừ đoạn gần tới cây chò ngàn năm lên dốc thì hầu hết là xuống dốc hoặc đường bằng nên đi khá nhanh. Tuy nhiên, em bé đã mỏi chân và mệt lắm rồi nên đành phải cõng xuống.

 

bạn nhỏ lúc về ông cõng

Bạn nhỏ 4 tuổi lúc đi tự đi, nhưng lúc về chỉ có thể để ông cõng vì quá mệt (Nguồn: Haysiri)

 

Em bé đi xuống dốc cũng hơi khó do bị chùn chân, dễ trượt, dễ ngã nên nếu có thể gia đình nên để em bé đi cùng bố hoặc ông để tiện đi về vì bé cần bế hoặc cõng.

Một số lưu ý nhỏ khi đi rừng

  • Nếu gặp vắt thì cầm theo muối, rắc vào nó tự tụt xuống. Hoặc mang theo thuốc DEP hoặc tinh dầu xịt trước lên người để con vắt thấy khó chịu không bám vào.
  • Đi vào những ngày trong tuần, vắng người thì dễ gặp bướm hơn. Nếu muốn ngắm đom đóm đêm thì du khách nên nghỉ luôn trong rừng Cúc Phương, ở khu hồ Mạc. Tầm 9h đi bộ gần cổng vườn có rất nhiều đom đóm.
  • Vào rừng là đã mất sóng điện thoại rồi. Vì thế, nếu có trẻ nhỏ hoặc đi theo đoàn nhất định phải để ý nhau, không nên tự ý tách đoàn hoặc có tách thì phải không được đi một mình và phải có điểm cố định để gặp nhau.
  • Chi phí nếu chỉ đi rừng quốc gia Cúc Phương, mang đồ ăn đi cắm trại thì khá rẻ. Chỉ 260k cho 4 người lớn và tiền gửi xe ô tô. Đồ ăn tự mang (chi phí tuỳ từng gia đình). Thêm tiền xăng khoảng 300k tuỳ xe.
  • Nếu ở lại một đêm tại Ninh Bình, gia đình có thể cho bé đi dạo phố cổ Hoa Lư vào đêm.

Xem thêm bài viết về ngắm cảnh đêm Ninh Bình và tham quan Tuyệt Tịnh Cốc tại đây>>>Nghỉ lễ cho bé dạo phố cổ Hoa Lư vào đêm và đạp xe quanh Tuyệt Tịnh Cốc

Một điểm đặc biệt Haysiri gợi ý cho cha mẹ là sau khi kết thúc chuyến đi, cha mẹ có thể làm một giấy chứng nhận cho nỗ lực của bé, ví dụ như ở bên dưới.

 

giấy chứng nhận leo núi

Giấy chứng nhận cho bé hoàn thành buổi leo núi (Nguồn: Haysiri)

 

Nếu có nhu cầu tải file về vui lòng tải xuống: Tại đây

 

0like
0 Bình luận
1,906 Đã xem
Share

Tham gia thảo luận

chat
Bạn hãy Đăng nhập để thảo luận

icon mặt cười

Bài viết được quan tâm

Xem thêm >>