Trẻ đi học

26/04/2023

Có thể con bạn học kém ở trường không phải vì học dốt: Đọc một số lý do dưới đây để hiểu con hơn

Hầu hết các bậc cha mẹ cho rằng con bị điểm kém vì học dốt, năng lực tiếp thu yếu, tư duy không nhạy bén và lười học. Tuy nhiên, có thể còn các lý do khác về vấn đề tâm lý hoặc phương pháp học tập và giảng dạy. Cha mẹ cần hiểu rõ vấn đề của con để có hướng giải quyết tương thích, giúp nâng cao kết quả học của con một cách tích cực. Dưới đây là một số lý do cha mẹ có thể tham khảo.

1. Bị stress nặng

Nếu con phải trải qua một khoảng thời gian khó khăn trong cuộc sống, tâm lý stress có thể ảnh hưởng xấu tới kết quả học tập. Nguồn gốc của stress có thể từ nhiều khía cạnh, gia đình, trường lớp và bạn bè. Ví dụ như cha mẹ ly hôn, bạo lực học đường, nhà có người thân mất, chia ly hoặc các vấn đề liên quan tới tâm lý tuổi dậy thì.

Việc bị stress nặng mỗi ngày khiến trẻ không ngủ đủ giấc, luôn trong tâm trạng lo lắng và sợ hãi. Vì thế, trẻ có thể quên chuẩn bị bài tập về nhà, không sẵn sàng khi tới lớp, và xao nhãng trong lúc học tập và làm bài kiểm tra.  

Tuy nhiên, trẻ gặp stress có thể dễ dàng phát hiện ra. Nếu đó là vấn đề từ trường lớp, phản ứng thông thường của trẻ là sợ tới lớp, giả ốm để được nghỉ học, và thường xuyên bị điểm kém. Nếu đó là vấn đề từ gia đình, trẻ sẽ có biểu hiện dễ cáu gắt, kích động và gây gổ với người nhà, thậm chí thích ở nhà bạn, công viên hoặc khu vui chơi để không về nhà đúng giờ.

 

stres khiến trẻ sao nhãng việc học

Stress khiến trẻ xao nhãng học tập và nhận điểm kém (Nguồn: Haysiri)

 

Cha mẹ cần kịp thời phát hiện vấn đề tâm lý của con để có cách giải quyết kịp thời. Stress có thể hết trong một thời gian ngắn hoặc kéo dài dẫn tới trầm cảm.

Nếu là bạo lực học đường, có thể chuyển trường cho con. Nếu là nội bộ gia đình thì cần lắng nghe tâm sự của con cũng như chia sẻ vấn đề của người lớn và để con tự đưa ra quyết định. Tuy nhiên, trong trường hợp cha mẹ không thể đối phó với “sự bùng nổ” của con thì nên gặp các chuyên gia tâm lý để nhận được lời khuyên đúng đắn.

2. Nhu cầu cảm xúc

Mỗi cá thể sẽ có nhu cầu cảm xúc khác nhau. Một số đứa trẻ có mong muốn cao về việc được mọi người yêu quý. Vì vậy, nếu chúng bị bạn bè đối xử không thân thiện hoặc chịu bạo lực học đường, việc học tập tại trường sẽ không thể tốt được. Hoặc một số khác có lòng tự trọng thấp hơn, và sẵn sàng làm mọi việc để được người khác chấp nhận, kể cả là việc xấu như hút thuốc lá hay uống rượu.

 

một số trẻ chấp nhận hút thuốc

Một số trẻ để được bạn bè chấp nhận sẵn sàng thử hút thuốc lá dù biết đó là hành vi xấu (Nguồn: Haysiri)

 

Cha mẹ nên là người hiểu nhu cầu cảm xúc của con mình rõ nhất để điều chỉnh hành vi của con. Nếu con bị cô lập vì hiểu lầm hoặc xa cách với các bạn, cha mẹ có thể tổ chức các buổi gặp gỡ, tiệc sinh nhật và mời các bạn của con tới tham dự. Ngược lại, nếu con luôn cố gắng tìm kiếm sự chấp nhận của người khác, kể cả bạn xấu, cha mẹ cần đưa ra lời khuyên để con hiểu thay vì làm những việc như uống rượu, hút thuốc, nếu con học tốt hoặc chỉ đơn giản là con luôn tốt bụng và sẵn sàng giúp đỡ mọi người thì con cũng sẽ nhận được sự tôn trọng.

Chỉ cần giải toả nhu cầu cảm xúc của trẻ hợp lý, kết quả học tập ở trường của trẻ chắc chắn sẽ tốt lên.

3. Bị xao nhãng bởi các thiết bị điện tử không cần thiết

Trừ thời gian học online trên các app hoặc với thầy cô từ xa, hoặc tìm kiếm tài liệu trên Google, cha mẹ nên hạn chế để trẻ tiếp xúc với các thiết bị điện tử không cần thiết.

Nếu căn phòng của con có đủ các thiết bị như tivi, máy tính, ipad và điện thoại, thời gian học tập ở nhà của con chắc chắn sẽ bị chiếm dụng bởi các hoạt động vô bổ như xem tivi, chơi game và nhắn tin với bạn bè trên mạng xã hội. Hầu hết cha mẹ quá bận rộn để kiểm tra xem con đang làm gì hoặc tin rằng con đang học bài thay vì lướt web, chơi game.

 

việc chơi game quá nhiều khiến trẻ học kém đi

Việc chơi game, xem phim và lướt web quá nhiều khiến trẻ học kém hơn (Nguồn: Haysiri)

 

Vì thế, hãy chắc chắn rằng con chỉ được dùng máy tính, điện thoại, tivi hay ipad đúng thời gian cần học online, học qua app hoặc tìm kiếm tài liệu hỗ trợ việc học. Thời gian ưu tiên vẫn là làm bài tập về nhà hoặc nghiên cứu kiến thức thêm.

4. Chứng rối loạn lo âu xã hội

Một số trẻ mắc chứng rối loạn lo âu xã hội sẽ khó đạt điểm cao trong các kỳ thi. Căn bệnh này khiến chúng bắt đầu thấy lo lắng và không thoải mái khi tiếp xúc với người khác, kể cả thầy cô hay bạn bè. Điều này hạn chế việc trẻ tự tin giơ tay phát biểu, thuyết trình trước lớp, tham gia các hoạt động thể chất, ăn trưa cùng mọi người hoặc tới các buổi tiệc tổ chức bởi trường lớp hoặc cá nhân.

 

trẻ mắc chứng rối loạn lo âu xã hội

Trẻ mắc chứng rối loạn lo âu xã hội sẽ khó đạt điểm cao trong các kỳ thi

 

Đặc biệt, căn bệnh này sẽ xảy ra ở cả ngoài xã hội chứ không phải chỉ trong trường học. Ví dụ, trẻ không thích ra ngoài chơi, ngại giao tiếp với người lạ và lo lắng khi tới đám đông. Cha mẹ cần phân biệt con mắc chứng rối loạn lo âu xã hội hay chỉ đơn thuần là con nhát và hướng nội. Nếu như là bệnh, con thậm chí có thể tỏ ra hết sức luống cuống và bối rối, đổ nhiều mồ hôi và tim đập nhanh khi đứng trước đám đông. Khi đó, con cần tham gia trị liệu với các chuyên gia tâm lý. Đồng thời cha mẹ cũng nên nói chuyện với giáo viên chủ nhiệm và hiệu trưởng về tình trạng của con. Có thể giáo viên sẽ hỗ trợ con tốt hơn trên lớp.

5. Rối loạn cảm xúc

Một lý do khác là con bị rối loạn cảm xúc. Nghĩa là con gặp khó khăn trong việc bày tỏ cảm xúc và kiềm chế cơn giận của mình, dẫn tới việc con thường xuyên có những hành vi thái quá, công kích người khác hoặc làm bản thân bị thương. Điều này hạn chế việc con kết bạn trong lớp và có thể bị giáo viên đánh giá hạnh kiểm kém.

 

trẻ bị rối loạn cảm xúc dẫn đến học kém

Trẻ bị rối loạn cảm xúc thường có những hành vi thái quá trong lớp (Nguồn: Haysiri)

 

Khi không thể điều tiết cảm xúc của bản thân, trẻ sẽ dễ mất kiên trì khi làm các bài tập khó hoặc cảm thấy tẻ nhạt với các bài tập đơn giản hơn. Việc này khiến trẻ giảm hứng thú học tập, bỏ bê bài về nhà và không thể tiếp thu kiến thức một cách đầy đủ.

Các liệu pháp điều trị ngoài việc kết hợp giữa giáo viên và cha mẹ cần có sự hỗ trợ từ các chuyên gia tâm lý. Nhưng trước tiên, cha mẹ cần cố gắng làm dịu cơn tức giận của con, lắng nghe con và giúp con bình tĩnh hơn.

NGOÀI RA, trẻ học kém hơn các bạn trong lớp có thể là do con mắc chứng tăng động giảm chú ý (ADHD), rối loạn phổ tự kỷ hoặc khuyết tật học tập cụ thể (SLD) như gặp khó khăn khi viết, nói, đánh vần,.. Trong tình huống này, cha mẹ có thể cân nhắc cho con học ở các trường đặc biệt hoặc thuê gia sư có kỹ năng đặc biệt để giúp con đạt được kết quả học tập tốt nhất.

TUY NHIÊN, đừng vội gắn mác “học dốt” cho con khi con bị điểm kém. Mỗi cá thể sẽ có năng lực ở từng mảng riêng. Nếu con học kém toán, chưa chắc con đã kém văn. Các môn xã hội con chưa tốt nhưng có thể con có năng khiếu nghệ thuật, hội hoạ hoặc thể thao.

 

>> Xem thêmMột số thức ăn trẻ tự kỷ cần hạn chế sử dụng: Cha mẹ nên lưu ý để bảo vệ con

 

0like
0 Bình luận
404 Đã xem
Share

Tham gia thảo luận

chat
Bạn hãy Đăng nhập để thảo luận

icon mặt cười